Một trong những vấn đề tồn tại trong cộng đồng các dân tộc thiểu số đó là nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Điều này đã được các ban, ngành tập trung tuyên truyền, tháo gỡ nhưng hiện ở nhiều nơi vẫn còn là vấn đề nhức nhối. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây nghèo “bền vững” ở vùng cao, khiến cuộc sống nhiều gia đình lâm cảnh khó khăn.
1. Tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật hiện hành, nam đủ từ 20 tuổi trở lên, nữ đủ từ 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, nhiều em gái mới 13, 14 tuổi đã nghỉ học, lấy chồng và sinh con. Theo kết quả điều tra lần thứ nhất về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2015, do Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê phối hợp thực hiện, cho thấy tỷ lệ tảo hôn chung trong các nhóm dân tộc thiểu số khá cao là 26%, thậm chí tỷ lệ này ở nhiều nơi là rất cao, lên đến 50 - 70%. Có tới 40/53 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn từ 20% trở lên; có 6 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn từ 50 - 60%, đặc biệt là ở các cộng đồng người Mông, Xinh Mun, La Ha, Gia Rai, Raglay và Bru - Vân Kiều.
Tại Sa Pa - Lào Cai, chuyện tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn diễn biến khá phức tạp. Một con số thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, trong 5 năm qua, tại các địa phương trong huyện Sa Pa xảy ra hơn 200 vụ tảo hôn, trong đó tập trung chủ yếu ở các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Hệ lụy mà tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống gây ra có thể kể đến như: Nhiều đôi vợ chồng “nhí” chưa thể sống tự lập vì tuổi còn quá trẻ, nhiều trường hợp dẫn đến ly hôn; trẻ em sinh ra từ các đôi vợ chồng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống thường ốm yếu, suy dinh dưỡng, chậm phát triển, mắc các dị tật…Đây là điều trăn trở của các ngành chức năng, trong đó có tổ chức hội phụ nữ trên địa bàn huyện Sa Pa.
Trong khi đó, ở Gia Lai - nơi có 34 dân tộc sinh sống thì vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết cũng đáng quan tâm. Ở làng Đê Klong (xã Đác Trôi, huyện Mang Yang, Gia Lai), nhiều em gái người Ba Na “bắt chồng” khi 15, 16 tuổi. Còn tại huyện Đác Pơ, từ năm 2015 đến nay xảy ra 54 trường hợp tảo hôn trong đó có 2 vụ hôn nhân cận huyết.
Điện Biên là một trong những địa phương có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết cao. Theo số liệu của Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên, trong 5 năm (2010-2015), toàn tỉnh có trên 1.500 cặp tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Phần lớn trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết tập trung ở bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại các huyện vùng cao như Điện Biên Đông, Mường Nhé, Nậm Pồ…
Lý do của tình trạng này xuất phát từ quan niệm “truyền đời” của nhiều tộc người. Như ở thôn Tiên Tốc (xã Bình An - Lâm Bình - Tuyên Quang) bà con người Mông vẫn quan niệm anh em họ lấy nhau thì cuộc sống gia đình thêm gần gũi, hòa hợp, nhiều cặp đôi cận huyết thống ở đã nên vợ chồng. Tương tự như vậy, việc kết hôn của đồng bào dân tộc thiểu số Gia Rai, Ba Na ở Gia Lai chủ yếu được thực hiện theo phong tục, tập quán, chỉ cần sự đồng ý của những người đứng đầu trong làng hoặc của cha mẹ hai bên nam nữ, sự chứng kiến của gia đình, họ hàng, làng xóm là xong. Bà con từ lâu cũng có quan niệm kết hôn trong họ tộc để lưu giữ tài sản của gia đình không mang của cải sang họ khác…
2. Những thống kê trên dù chưa đầy đủ, nhưng đã phần nào phác vẽ lên thực trạng của vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Trước thực tế trên, các ban ngành từ trung ương tới địa phương đã tuyên truyền, vận động qua nhiều hình thức nhưng xem ra vấn đề này vẫn có nhiều diễn biến đáng quan tâm.
Ngay từ năm 2015 Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số” giai đoạn 2015 - 2025. Trong quá trình thực hiện Đề án đã thu hút được sự quan tâm của các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam và sự phối hợp của một số Bộ, ngành liên quan. Nhiều địa phương có tỷ lệ tảo hôn và nguy cơ tảo hôn cao đã nỗ lực trong việc giảm thiểu tình trạng tảo hôn, một số tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí đề thực hiện.
Ví dụ như tại Lào Cai, các cấp hội phụ nữ huyện Sa Pa đã tích cực triển khai Đề án phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Phối hợp với Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện thường xuyên tuyên truyền nâng cao chất lượng dân số; bình đẳng giới; phòng, chống tảo hôn; giáo dục, tư vấn sức khỏe sinh sản cho đối tượng vị thành niên. Theo đó, các cấp hội phụ nữ đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền tại các thôn, bản; cho các gia đình ký cam kết không để xảy ra tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… Các xã như Hầu Thào, Lao Chải, Trung Chải - những “điểm nóng” trước đây về tảo hôn đến nay đã có nhiều chuyển biến...
Tỉnh Điện Biên cũng tiến hành nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng trên, đồng thời đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong đồng bào dân tộc thiểu số; đến năm 2025 không còn tảo hôn, cơ bản giảm thiểu kết hôn cận huyết thống…
Tại hội thảo Phòng ngừa, chấm dứt tảo hôn và kết hôn trẻ em: Bài học kinh nghiệm từ thực tiễn do Ủy ban Dân tộc phối hợp với cơ quan Liên Hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và một số tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ tổ chức hồi cuối tháng 6 năm nay, các chuyên gia phân tích, tảo hôn là vi phạm quyền trẻ em, nếu xét trên bình diện tổng thể thì tảo hôn còn tác động trực tiếp đến các vấn đề kinh tế - xã hội khác tạo thành một vòng luẩn quẩn của sự đói nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng là nguyên nhân sâu xa làm suy giảm chất lượng nguồn nhân lực và sự phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số.
Giải pháp để tháo gỡ nút thắt của chu trình tảo hôn và kết hôn trẻ em chính là tăng quyền năng và đầu tư cho phụ nữ và trẻ em gái. Mọi phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ hoặc chịu ảnh hưởng bởi kết hôn trẻ em và tảo hôn cần được tiếp cận những dịch vụ có chất lượng về giáo dục và đào tạo, tư vấn về pháp luật và y tế, kể cả tư vấn sức khỏe sinh sản và tình dục, nhà tạm lánh và các dịch vụ xã hội khác. Các đại biểu nhất trí với những khuyến nghị đưa ra tại Hội thảo về cải cách chính sách và nghiên cứu trong thời gian tới nhằm chấm dứt tình trạng tảo hôn ở Việt Nam sẽ được tổng hợp và giới thiệu với các Bộ, ngành, địa phương và tổ cưhức liên quan trong nước để có hành động cụ thể cho ngành, lĩnh vực cũng như từng địa phương trong cả nước. Theo đó, chương trình nghị sự về Phát triển bền vững đã đặt chỉ tiêu 5.3 là xóa bỏ mọi tập tục có hại bao gồm tảo hôn và cưỡng ép kết hôn vào năm 2030.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hà Hùng cho rằng: Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, đặc biệt trong đồng bào dân tộc thiểu số là một cuộc chiến lâu dài và nhiều thách thức. Để giải quyết vấn đề tảo hôn thì phải đi liền với giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội khác, tuy nhiên không thể nóng vội, mà cần có cách tác động phù hợp, hiệu quả đối với các dân tộc và vùng miền khác nhau, trong đó có cả người Kinh. |