Dân tộc

Đẩy lùi, ngăn ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Gia Bảo 22/11/2023 18:45

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS ở Gia Lai đã có bước tiến triển tích cực. Đây sẽ là động lực để trong thời gian tới, các cấp, các ngành sẽ tiếp tục chung tay góp phần ngăn chặn, khắc phục tình trạng này.

tang-cuong-truyen-thong-ve-phong-chong-tao-hon-va-hon-nhan-can-huyet-thong-tai-huyen-chu-pah..jpg
Tăng cường truyền thông về phòng - chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại huyện Chư Păh (ảnh Ngọc Thu).

Theo số liệu của Ban Dân tộc HĐND tỉnh Gia Lai, từ ngày 1/1/2021 đến 31/5/2023, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 2.224 cặp tảo hôn, trong đó có 2.185 cặp là người DTTS. Riêng 5 tháng đầu năm 2023 có 392 cặp, trong đó gần 97% số cặp tảo hôn là người DTTS. Cũng theo báo cáo của Ban Dân tộc HĐND tỉnh, tuổi tảo hôn trung bình của đồng bào DTTS đối với nữ là 13-17 tuổi, nam là 16-17 tuổi. Toàn tỉnh có 2 cặp hôn nhân cận huyết thống đều là người DTTS.

Trong đó, tại huyện miền núi Ia Pa, với hơn 70% dân số là người DTTS. Do nhận thức còn hạn chế nên một số vùng đồng bào DTTS hiện vẫn còn tình trạng tảo hôn, gây nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội. Ông Trần Xuân Hiệp, Phó Trưởng phòng dân tộc huyện cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn huyện Ia Pa có 41 trường hợp tảo hôn. Độ tuổi tảo hôn trung bình của người DTTS đối với nam khoảng 18-19 tuổi, nữ khoảng 15-17 tuổi. Nguyên nhân là do nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế; việc kết hôn được thực hiện chủ yếu theo tập quán. Công tác phối hợp quản lý học sinh giữa nhà trường và gia đình chưa chặt chẽ, thiếu sự quan tâm của cha mẹ cũng là nguyên nhân của vấn nạn tảo hôn. Trong khi đó, việc xử phạt vi phạm hành chính về tảo hôn còn gặp khó khăn do phần lớn các gia đình đều thuộc diện khó khăn, không có khả năng nộp phạt.

“Để kéo giảm tình trạng tảo hôn, Phòng Dân tộc huyện Ia Pa đã tiếp tục tham mưu UBND huyện triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025”. Bên cạnh đó, Phòng Dân tộc huyện tiếp tục phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan đến hôn nhân và gia đình cho đội ngũ cán bộ cơ sở. Đặc biệt, Phòng Dân tộc sẽ phối hợp với Phòng Tư pháp tham mưu UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tiến hành xử lý nghiêm đối với hành vi tảo hôn theo đúng quy định”, ông Xuân Hiệp chia sẻ.

Còn tại huyện Ia Grai, tính đến hết tháng 7/2023, toàn huyện có 58 trường hợp tảo hôn, giảm 13 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, 57/58 trường hợp tảo hôn là người DTTS. 12/13 xã, thị trấn có trường hợp tảo hôn. Để góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái. Mới đây, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ia Grai đã thành lập, ra mắt 3 mô hình Câu lạc bộ “Phụ nữ phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Huyện Đoàn thành lập 3 Câu lạc bộ “Tiền hôn nhân”. Các xã, thị trấn cũng tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình; những quy định về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các thôn, làng. Chia sẻ vấn đề này, ông Đào Lân Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai cho biết, từ đầu năm đến nay, các xã đã vận động, thuyết phục được 5 trường hợp không tảo hôn; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 4 trường hợp và tổ chức cho gia đình ký cam kết không để các đối tượng tảo hôn sinh con khi chưa đủ tuổi. Một số địa phương làm tốt công tác tuyên tuyên truyền, ngăn chặn các trường hợp tảo hôn như: xã Ia Sao, Ia Yok, Ia Krai, Ia Tô và thị trấn Ia Kha.

Đánh giá nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo bà Đinh Thị Giang, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Gia Lai, đa số người DTTS sinh sống ở địa bàn đặc biệt khó khăn nên việc tiếp cận kiến thức về hôn nhân, gia đình và pháp luật còn hạn chế. Bên cạnh đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền địa phương để tuyên truyền, giáo dục, ngăn ngừa tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống chưa được quan tâm đúng mức. Ngoài ra, hình thức tuyên truyền kém phong phú, chưa phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của các nhóm đối tượng; công tác giáo dục giới tính cho thanh, thiếu niên chưa được đẩy mạnh; quản lý hộ tịch thiếu chặt chẽ; xử lý vi phạm về hôn nhân và gia đình còn thiếu kiên quyết… Do đó, trong thời tới, tỉnh Gia Lai sẽ đẩy mạnh các hoạt động truyền thông để từng bước nâng cao nhận thức trong đồng bào DTTS về vấn đề này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đẩy lùi, ngăn ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống