Xã hội

Đẩy lùi tín dụng “đen”

A.Minh 29/03/2024 09:00

Thủ tướng Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp Bộ Công an triển khai chấm điểm khả tín để người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng nhanh, hiệu quả.

anh-bai-tren.jpg
Công an khám xét tại một công ty tài chính bị cáo buộc liên quan đến tín dụng “đen”. Nguồn: Báo Quảng Nam.

Chỉ đạo này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình 2 năm triển khai Đề án 06 về "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo các chuyên gia ngân hàng, điểm khả tín được xác định thông qua một số chỉ số và thông tin tài chính của người đi vay như lịch sử thanh toán, dư nợ, lịch sử tín dụng. Chỉ số này cho biết mức độ rủi ro mà ngân hàng có thể gặp phải khi cho vay đối với một cá nhân cụ thể. Điểm khả tín cao thường đi kèm với khả năng vay vốn ở mức lãi suất thấp hơn và điều kiện vay thuận lợi hơn.

Giải pháp đa lợi ích

Ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư (CSDLDC) trong đánh giá điểm khả tín khách hàng, đặc biệt là khách hàng cá nhân được đánh giá là giải pháp mang lại nhiều lợi ích cho ngân hàng, khách hàng và nền kinh tế.

Các chính sách phối hợp giữa Bộ Công an và NHNN sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các ngân hàng thương mại khai thác và sử dụng dữ liệu thay thế từ CSDLDC một cách hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ tín dụng cho khách hàng cá nhân, từ đó sẽ mang lại lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng, góp phần phát triển thị trường tín dụng bán lẻ tại Việt Nam.

Nhóm chuyên gia của Học viện Ngân hàng cho rằng, trong bối cảnh nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính của người dân, đặc biệt các sản phẩm tín dụng số hóa với hàm lượng công nghệ cao, gia tăng, việc ứng dụng đánh giá khả tín khách hàng vay nói chung và chấm điểm dựa trên dữ liệu dân cư nói riêng đã trở thành một công cụ mạnh mẽ trong quá trình thẩm định và phê duyệt tín dụng.

Điều này giúp tối ưu hóa quá trình đánh giá khả năng trả nợ của người vay và hỗ trợ ngân hàng ra quyết định cho vay một cách nhanh chóng, đáng tin cậy. Đồng thời, thông qua đánh giá khả tín khách hàng vay từ dữ liệu dân cư một cách khách quan, minh bạch, ngân hàng và các tổ chức tài chính có thêm công cụ để đẩy mạnh cấp tín dụng đến người dân một cách chính thống, đa kênh, nâng cao trải nghiệm khách hàng, góp phần đẩy lùi tín dụng “đen”, lành mạnh hóa hoạt động cho vay, tăng cường công tác an sinh xã hội.

Khi việc vay vốn ngân hàng trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn, đặc biệt với sự hỗ trợ của công nghệ và dữ liệu lớn, điều tất yếu là tín dụng “đen” sẽ bị đẩy lùi.

Theo truyền thống, các ngân hàng sẽ đánh giá rủi ro tín dụng với những người chưa bao giờ đi vay bằng cách yêu cầu nộp thêm nhiều giấy tờ liên quan đến thu nhập có chứng nhận của bên thứ ba như hợp đồng lao động, sao kê bảng lương... càng thiếu thông tin thì người đi vay sẽ càng phải nộp nhiều thứ giấy tờ để chứng minh khả năng trả nợ của mình. Mô hình truyền thống này giúp các định chế tài chính dễ dàng thể hiện mối quan hệ giữa khách hàng và chấm điểm tín dụng, theo ông Đỗ Năng Thắng (Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông - Đại học Thái Nguyên).

Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng quy trình thủ công đòi hỏi nhiều thời gian, công sức xác minh, lưu trữ tài liệu... Xu hướng phát triển mảng tín dụng bán lẻ trong những năm gần đây khiến ngân hàng phải xác minh một lượng thông tin người dùng rất lớn nếu muốn phục vụ tốt khách hàng. Theo đó, quy trình mở thẻ tín dụng có thể kéo dài đến một tuần (gặp gỡ, tư vấn, thu thập giấy tờ, chứng minh tài chính, cung cấp hồ sơ và phát hành). Thẻ đến tay người dùng mất 7 đến 10 ngày.

Giờ đây, với thành công của các dự án ứng dụng dự liệu lớn vào quy trình duyệt hạn mức thẻ tín dụng, chỉ với thiết bị di động, khách hàng điền thông tin cơ bản, sau đó nhận phê duyệt hạn mức thẻ nhanh nhất, đơn giản nhất có thể.

Dữ liệu dân cư là chìa khóa

Theo chỉ đạo của Chính phủ, nhiều ngân hàng đang triển khai ứng dụng dữ liệu dân cư để đánh giá khả tín của khách hàng vay, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và giảm rủi ro trong lĩnh vực tài chính.

Mới đây, đã diễn ra lễ ký kết hợp đồng hợp tác giữa Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) và Công ty BKLytics để triển khai giải pháp đánh giá khả tín khách hàng thông qua ứng dụng dữ liệu dân cư. BKLytics sẽ triển khai giải pháp này tại 6 tổ chức tín dụng, bao gồm PVcomBank, Vietcombank, VietinBank, BIDV, VIB và Mcredit.

Sản phẩm đánh giá khả tín khách hàng vay (RBCredit) của BKLytics sử dụng nền tảng công nghệ hiện đại như dữ liệu lớn, máy học, trí tuệ nhân tạo, vận trù học để tạo ra mô hình chấm điểm tín dụng đa chiều, cung cấp đánh giá toàn diện về khách hàng vay.

Sau khi triển khai thành công tại các tổ chức tín dụng, hệ thống có thể kết nối trực tiếp đến máy chủ ứng dụng tại Trung tâm dữ liệu quốc gia và sử dụng các dịch vụ của C06 để tra cứu, rà soát thông tin về chấm điểm khả tín của khách hàng.

Trong năm 2023, liên quan đến hoạt động tín dụng “đen”, công an đã khởi tố 538 vụ án/944 bị can, xử phạt hành chính 305 vụ/396 đối tượng; trong đó khởi tố 485 vụ/772 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, khởi tố 27 vụ/35 bị can về tội cố ý gây thương tích, 17 vụ/108 bị can về tội cưỡng đoạt tài sản…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đẩy lùi tín dụng “đen”

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO