Đẩy mạnh cải cách từ những 'con số biết nói'

H.Vũ 18/04/2023 06:20

Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI); và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là sự phản ánh của người dân và doanh nghiệp. Nhưng vấn đề cần được đặt ra là đằng sau những “con số biết nói” đó là hành động như thế nào.

Hà Tĩnh đang nỗ lực đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính. Nguồn ảnh: BaoHatinh.

So với kết quả PAPI năm 2021 thì PAPI năm 2022 có 33 tỉnh, thành phố có mức độ cải thiện đáng kể ở chỉ số nội dung “tham gia của người dân ở cấp cơ sở”; 18 tỉnh, thành phố có mức độ cải thiện đáng kể ở chỉ số nội dung “công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương” và 30 tỉnh, thành phố có mức độ cải thiện đáng kể ở chỉ số nội dung “quản trị điện tử”. Tuy nhiên, 29 tỉnh, thành phố giảm sút đáng kể ở chỉ số nội dung “quản trị môi trường”, 18 tỉnh, thành phố giảm sút đáng kể ở chỉ số nội dung “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, 18 tỉnh, thành phố giảm sút đáng kể ở chỉ số nội dung “cung ứng dịch vụ công”.

Theo đánh giá của TS Đặng Hoàng Giang - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Báo cáo PAPI là cơ sở để địa phương điều chỉnh chính sách phục vụ người dân tốt hơn. Vì thế, mỗi tỉnh, thành phố cần “nhìn sâu” vào các đánh giá của người dân để xem người dân đang phàn nàn cái gì. Từ đó chỉ rõ ai đứng ra chịu trách nhiệm và phải có sự thay đổi cụ thể ở các nội dung mà người dân còn đang phàn nàn, nhằm đem lại các thay đổi cụ thể.

Qua 14 năm nghiên cứu chỉ số PAPI, bà Đỗ Thanh Huyền - chuyên gia phân tích chính sách công, Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, thành viên nhóm nghiên cứu PAPI cho hay đã có sự thay đổi trong chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công. Việc cấp sổ đỏ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hay sự nhũng nhiễu tại cấp xã trong những năm trước là vấn đề phổ biến thì bây giờ đã có sự thay đổi. Đặc biệt sự “vòi vĩnh” trong các bệnh viện đã có sự giảm. Đó chính là những dấu hiệu tốt, giúp ích cho việc có những điều chỉnh nhất định.

“Muốn cải cách quá trình quản trị công là quá trình tương đối dài. Vì có thời điểm lúc giữa nhiệm kỳ thì làm tốt, nhưng đến cuối nhiệm kỳ thì lại bị giảm. Nhưng nhìn chung thì đã có sự tăng trưởng chứ không có tư tưởng tư duy nhiệm kỳ nữa. Đó là cái rất đáng ghi nhận”- bà Huyền nhìn nhận.

Để góp phần cải cách nền hành chính quốc gia, theo bà Huyền, chính quyền địa phương cần quan tâm đến vấn đề tham nhũng vặt. Cần nhìn vào 150 chỉ tiêu đánh giá cụ thể để phát huy cái hay, khắc phục cái yếu kém, và cần có sự ưu tiên trong giải quyết từng vấn đề yếu kém. Trong đó nên tập trung vào kiểm soát tham nhũng vặt để người dân hài lòng vì đây là cái dễ nhìn thấy sự thay đổi hơn.

“Bên cạnh đó người dân cũng phải có trách nhiệm trong đấu tranh với các hành vi tham nhũng nhiều hơn, tố giác các hành vi vòi vĩnh của cán bộ. Qua đó mới giúp bộ máy hành chính Nhà nước loại bỏ cán bộ “vòi vĩnh”ra khỏi bộ máy” - bà Huyền chia sẻ.

Nói về thành công của tỉnh Quảng Ninh khi nhiều năm liên tiếp dẫn đầu PAPI và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Phó Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Ninh Bùi Tuấn Anh cho biết, Quảng Ninh có cách làm riêng, đó là ngoài việc chỉ đạo của các cấp chính quyền, từ Trung ương cho đến tỉnh được tăng cường niêm yết tại các trụ sở cho đến nhà văn hoá thì cũng được phát trên đài truyền hình vào mỗi tối để người dân hiểu và đóng góp tham gia ý kiến. Đặc biệt hàng tháng đều đối thoại với người dân đi đến tận cùng vấn đề, không để phát sinh điểm nóng.

Theo PGS.TS Đặng Ngọc Dinh - nguyên Giám đốc CECODES, các tỉnh/thành cần nhìn vào những điểm yếu của mình để hoàn thiện.

“PAPI không có chế tài nhưng khi đã bị phê bình nhiều lần thì chúng ta phải lưu ý. Thứ nhất vấn đề bị phản ánh trong nhiều năm liền, thứ hai là lĩnh vực có tỷ lệ phần trăm than phiền cao thì đang là vấn đề nhức nhối, cần phải chú ý giải quyết. Cùng cơ chế chính sách pháp luật như nhau nhưng việc quản trị chưa tốt nên có sự đánh giá khác nhau. Có thể là địa phương có nguồn lực khá, chất lượng nhân lực tốt song quản trị chưa tốt thì cũng phải điều chỉnh. Nhất là phản ánh của người dân và doanh nghiệp là hai yếu tố quan trọng trong nền kinh tế thị trường với vai trò thụ hưởng chính sách và làm ra cải của vật chất” - ông Dinh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đẩy mạnh cải cách từ những 'con số biết nói'