Đẩy mạnh chế biến để đưa trái cây Việt Nam đi xa tới bất kỳ nơi nào trên thế giới. Rất nhiều loại quả của Việt Nam như sầu riêng, dừa, dứa, chanh dây sẽ thêm cơ hội gia tăng giá trị.
Thiếu công nghệ chế biến
Ông Nguyễn Lâm Viên - Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit cho rằng, Việt Nam có lợi thế nguồn nguyên liệu nông - lâm - thủy sản rất lớn nhưng chưa biết cách làm gia tăng giá trị. Cụ thể, nếu 1kg khoai lang bán ăn tươi chỉ trên dưới 20.000 đồng nhưng nếu qua chế biến thì giá trị có thể tăng lên hàng chục lần. Ông Viên cho rằng có 4 cách để làm tăng giá trị nông sản, đó là: hướng chế biến cho ra thực phẩm thay đổi sự sống (ăn để phòng và trị bệnh), sản xuất nông nghiệp theo hướng "du lịch canh nông", sản xuất hữu cơ và đưa công nghệ chế biến sâu để tăng giá trị.
Trong khi đó, bà Ngô Tường Vy - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuất - Nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre), cho biết, sau hơn 20 năm thu mua trái cây, Công ty Chánh Thu đã tiến đến đầu tư nhà máy chế biến để xuất khẩu nông sản tươi sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu… Với các nhà máy tại các tỉnh Bến Tre, Khánh Hòa và Đắk Lắk, Công ty Chánh Thu có khả năng cung cấp hơn 300.000 tấn trái cây cho xuất khẩu.
Vào năm 2012, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ thẩm định, cấp mã số cho nhà đóng gói trái cây đảm bảo đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ và Chánh Thu là công ty Việt Nam đầu tiên xuất khẩu thành công chôm chôm sang thị trường này với số lượng lên đến 200 tấn. Tiếp sau đó là xoài, vải thiều cũng được Công ty Chánh Thu xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Nhật Bản. Năm 2023, công ty khởi công xây dựng Nhà máy chế biến trái cây xuất khẩu Chánh Thu Đắk Lắk với công suất 70.000 tấn nguyên liệu/năm và dự kiến thi công trong thời gian 18 tháng.
Chế biến sau thu hoạch là khâu rất quan trọng mà ngành nông nghiệp hiện đại đang hướng tới, bởi nó làm tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, giảm rủi ro thất thoát trong sản xuất, sơ chế. Hiện nay, nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vự nông nghiệp cũng đang chú trọng chế biến sản phẩm theo các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng đạt điều kiện xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu và Mỹ.
Trong bức tranh xuất khẩu của Việt Nam, hiện xuất khẩu nông sản đang là điểm sáng. Việt Nam có 4 mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên với trị giá 11,89 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu 4 mặt hàng này chiếm tới 88% kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Trong đó, có 3 mặt hàng nông sản đạt trị giá xuất khẩu cao nhất trong 10 năm, bao gồm rau quả, cà phê và gạo. Cụ thể, mặt hàng rau quả đạt 3,49 tỷ USD, tăng 59,3% so với cùng kỳ năm trước và cao gấp 4,99 lần so với năm 2013 (đạt 0,7 tỷ USD).
Cần giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Để tăng cường năng lực xuất khẩu cho ngành nông sản Việt Nam, VCCI cho rằng, cần có các giải pháp đồng bộ hỗ trợ toàn ngành phát triển theo chuỗi, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp áp dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, số hóa trong sản xuất, chế biến nông sản để đảm bảo được các tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm.
TS Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương cũng nhấn mạnh cần đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo quá trình quản trị sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của nông sản xuất khẩu, trong đó chú trọng đến các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (Trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, IoT, in 3D, vật liệu mới,...).
Cùng với đó, cần phát triển công nghệ bảo quản để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản chế biến. Đẩy mạnh việc triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, thủy sản xuất khẩu. Nâng cao hàm lượng đổi mới sáng tạo trong sản phẩm gia vị, rau quả xuất khẩu. Chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm gia vị, rau quả xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam.
Còn ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam phân tích, lâu nay nông sản xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu dưới dạng thô, tốn rất nhiều chi phí logistics, trong khi hàm lượng giá trị không cao, đặc biệt trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng, lạm phát ở các thị trường tiêu thụ lớn thì đây là một bất lợi lớn. Một container sầu riêng xuất khẩu thì có tới hơn phân nửa là vỏ và hạt. Nếu có thể đưa vào chế biến thành sầu riêng tách múi hoặc các sản phẩm ăn liền thì 1 container thành phẩm sẽ tương đương với 3 container nguyên trái như hiện nay, từ đó giảm được rất nhiều chi phí. “Nhẹ” hơn về trọng lượng nhưng sẽ “nặng” hơn về giá trị.
Từ đó cho thấy việc đẩy mạnh chế biến sâu là bắt buộc để đưa trái cây Việt Nam đi xa tới bất kỳ nơi nào trên thế giới. Rất nhiều loại quả của Việt Nam như sầu riêng, dừa, dứa, chanh dây sẽ có cơ hội gia tăng giá trị.
Bà Trần Thị Lan Anh - Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, giá trị xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam liên tục tăng trưởng, đóng góp không nhỏ vào tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa, góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa và phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, có một thực trạng được chỉ ra nông sản xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu xuất thô do thiếu công nghệ chế biến, bảo quản; chưa đảm bảo đáp ứng các quy trình, quy định, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu… Vì thế việc mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam gặp những khó khăn, thách thức nhất định.