Đẩy mạnh cho vay trực tuyến: Những lo ngại về vấn đề an ninh, bảo mật

Văn Thanh 24/06/2023 18:30

Việc đẩy mạnh cho vay trực tuyến của một số ngân hàng thương mại hiện nay là hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế trong nước cũng như phương hướng mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra. Tuy nhiên, hoạt động này cũng làm dấy lên những lo ngại về vấn đề an ninh, bảo mật, bảo vệ quyền của khách hàng khi những rủi ro an ninh mạng ngày càng nhiều trong bối cảnh tội phạm công nghệ gia tăng nhanh chóng.

Việc đẩy mạnh cho vay trực tuyến của một số ngân hàng thương mại hiện nay là hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế trong nước cũng như phương hướng mà NHNN đưa ra. Ảnh minh họa
Việc đẩy mạnh cho vay trực tuyến của một số ngân hàng thương mại hiện nay là hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế trong nước cũng như phương hướng mà NHNN đưa ra. Ảnh minh họa.

Đẩy mạnh cho vay trực tuyến

Tại hội thảo "Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045" mới đây do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đơn vị này sẽ tập trung đẩy mạnh cho vay trên nền tảng điện tử, phủ rộng khả năng tiếp cận tài chính toàn diện với mọi người dân...

Việc này có thể giúp người dân tiếp cận tài chính toàn diện, đặc biệt với những người dân vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận được dịch vụ tài chính ngân hàng.

"Đây là định hướng lớn Ngân hàng Nhà nước đang tập trung, đó là cho vay trên nền tảng điện tử", ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc NHNN chia sẻ tại hội thảo.

Hiện, đang có nhiều ngân hàng thương mại tập trung đẩy mạnh cho vay trực tuyến với thủ tục nhanh gọn, giảm bớt chi phí, giải ngân nhanh chóng. Đơn cử như ở mảng khách hàng cá nhân, Ngân hàng Phương Đông (OCB) đang đẩy mạnh cho vay mua nhà trực tuyến, từ khâu tìm nhà, tới cấp hạn mức đều được làm online. Được biết, hơn 1.000 khoản vay đã được giải ngân, với thời hạn vay lên tới 35 năm.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB, chương trình này đem lại khả năng tương tác online hoàn toàn, khách hàng sẽ nhận được khoản vay có lãi suất ưu đãi, thời gian và điều kiện cho vay phù hợp, từ đó có cơ hội tìm được căn nhà ưng ý, đặc biệt là các bạn trẻ đang đi làm, khả năng chi trả còn hạn chế.

Đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) đang cho phép doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ trực tuyến và vay tới 15 tỷ đồng. Phía ngân hàng cho biết, khi khách hàng cung cấp các thông tin cơ bản về doanh nghiệp với hệ thống máy lọc đã có và những thông tin ngân hàng đã tập hợp, ngân hàng có thể cung cấp cho khách hàng được hạn mức dự kiến cho vay chỉ trong vòng 10 giây.

So sánh với cách thức cho vay truyền thống, nhiều ngân hàng đã tiến hành giảm lãi suất để thu hút được thêm nhiều đối tượng khách hàng. Ví dụ, tại Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB), nhà băng này đang triển khai chương trình ưu đãi dành riêng cho khách hàng doanh nghiệp có doanh thu dưới 100 tỷ đồng, giảm 1% lãi suất khi thực hiện vay vốn trên nền tảng số.

Cơ sở của hoạt động tập trung đẩy mạnh cho vay trên nền tảng điện tử, phủ rộng khả năng tiếp cận tài chính toàn diện với mọi người dân đó là do việc định danh khách hàng ngày càng được nâng cao hơn.

Hiện, một số ngân hàng đã phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an) bắt đầu thử nghiệm hệ thống chấm điểm tín dụng công dân trên nền tảng dữ liệu dân cư; đồng thời phối hợp với Bộ Công an, hoàn thành xác thực dữ liệu của hơn 25 triệu khách hàng. Từ đó, các ngân hàng có thể phân tích được mức độ rủi ro của từng khách hàng và đưa ra các gói vay phù hợp.

"Với khách hàng mới thì kiểm tra và xác thực theo quy định. Khi dữ liệu dân cư có đầy đủ, các ngân hàng thương mại, tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro có thể sử dụng dữ liệu dân cư để tiến hành cho vay trên nền tảng điện tử", Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng thông tin thêm.

Những lo ngại về an ninh mạng

Việc đẩy mạnh cho vay trực tuyến của một số ngân hàng thương mại hiện nay là hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế trong nước cũng như phương hướng mà NHNN đưa ra.

Tuy nhiên, hoạt động này cũng làm dấy lên những lo ngại về vấn đề an ninh, bảo mật, bảo vệ quyền của khách hàng khi những rủi ro an ninh mạng ngày càng nhiều trong bối cảnh tội phạm công nghệ gia tăng nhanh chóng.

Một số chuyên gia nhận định, rủi ro an ninh mạng đối với Việt Nam đang gia tăng vì nhiều lý do, trong đó có phần do Việt Nam đang tăng mạnh các hoạt động giao dịch không dùng tiền mặt. Vì vậy, câu chuyện an ninh, bảo mật, bảo vệ quyền của khách hàng; cũng như những giải pháp về khuôn khổ pháp lý, đầu tư hạ tầng cần được các ngân hàng quan tâm hơn. Các doanh nghiệp cần nghiên cứu, ứng dụng xu hướng công nghệ để nâng cao khả năng đảm bảo an toàn trong giao dịch qua mạng.

Việc giảm thiểu tối đa rủi ro trong cho vay trực tuyến nói riêng cũng an toàn trong giao dịch tài chính qua mạng nói chung là một bài toán khó đối với nhiều tổ chức tín dụng cũng như các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, nếu giải được bài toán này sẽ phần nào giúp "xóa sổ" tín dụng đen "núp bóng" dưới các kênh vay tiền online đang là vấn nạn nhức nhối trong xã hội.

Hiện nay, Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã bổ sung quy định điều chỉnh hoạt động cấp tín dụng bằng phương tiện điện tử, trong đó quy định về xét duyệt cấp tín dụng, quy định về lưu trữ hồ sơ tín dụng; bổ sung quy định giao Chính phủ quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng; bổ sung quy định áp dụng riêng cho các khoản vay tiêu dùng, phục vụ nhu cầu đời sống có mức giá trị nhỏ, cấp tín dụng qua thẻ theo hướng đơn giản, thuận tiện hơn.

Theo Đại tá, Tiến sĩ Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hiện nay có hai bộ dữ liệu là: bộ dữ liệu dân cư gồm 18 trường thông tin công dân cơ bản với 104 triệu người dân Việt Nam hiện đã có mã định danh duy nhất và bộ dữ liệu sinh trắc với gần 81 triệu căn cước công dân mang dữ liệu sinh trắc. Đây được xem là bộ dữ liệu gốc, sẽ dùng trong các lĩnh vực, bảo mật thông tin, bảo đảm an toàn cho các giao dịch của công dân.

Đại tá Vũ Văn Tấn thông tin thêm, việc triển khai Đề án 06 đã làm "sạch" được 85% dữ liệu cho ngành bảo hiểm, 80% thuê bao di động, 21 triệu trong số 25 triệu dữ liệu cho ngành ngân hàng…; từ đó tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia các giao dịch điện tử.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đẩy mạnh cho vay trực tuyến: Những lo ngại về vấn đề an ninh, bảo mật

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO