Đẩy mạnh giao thương chính ngạch

Tâm Như 15/09/2021 06:30

Thời gian qua, hoạt động thương mại khu vực biên giới luôn diễn ra sôi động và tăng trưởng tốt, đặc biệt là nhóm hàng nông, lâm thủy sản. Tuy nhiên, hoạt động giao thương vẫn chủ yếu được thực hiện bằng hình thức tiểu ngạch nên tiềm ẩn không ít rủi ro.

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết, trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản sang thị trường Trung Quốc đạt 6,17 tỷ USD, tăng 35,8% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, xuất khẩu rau quả đạt 1,21 tỷ USD, tăng 16,1%; xuất khẩu gạo đạt 308,7 triệu USD, tăng 12,5%... Tuy nhiên, các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh phản ánh, thời gian gần đây, phía Trung Quốc tăng cường kiểm soát hàng hoá khiến thời gian thông quan kéo dài.

Cụ thể, gần đây, phía Trung Quốc có nhiều điều chỉnh về quy trình kiểm dịch đối với người, phương tiện và hàng hóa qua cửa khẩu nhằm tăng cường kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19. Vì thế quá trình thông quan chậm hơn, lượng hàng hóa ùn tắc tăng cao trong điều kiện bảo quản không tốt đã khiến chi phí cũng như tổn thất của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gia tăng... Theo các thương nhân hoạt động tại các cửa khẩu biên giới, hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch dù có lúc khá thuận lợi, doanh thu khá nhưng luôn tiềm ẩn rủi ro.

Vì thế, theo ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Bộ NN-PTNT và Bộ Công Thương cần đẩy nhanh việc đàm phán, hoàn tất thủ tục mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Đồng thời khuyến cáo các hiệp hội ngành hàng, DN, thương nhân xuất khẩu nông sản, hoa quả chú trọng công tác đóng gói bao bì nhãn mác, thực hiện truy xuất nguồn gốc và ký kết hợp đồng chính thức để xuất khẩu chính ngạch các mặt hàng trái cây, nông sản sang Trung Quốc. Thực tiễn cho thấy hàng hóa xuất khẩu chính ngạch luôn có khả năng thông quan thuận lợi hơn rất nhiều, so với hàng hóa vận chuyển lên biên giới để xuất khẩu theo hình thức tiểu ngạch tại các cặp chợ đường biên. Về lâu dài, chỉ có xuất khẩu chính ngạch mới bền vững, đồng thời tạo thuận lợi cho việc thông quan, tránh tình trạng ùn tắc, tồn đọng hàng hóa và phương tiện, tránh thiệt hại cho thương nhân và DN.

Trên thực tế, việc đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang hình thức chính ngạch đang được Bộ Công Thương chỉ đạo các địa phương, DN thực hiện. Về vấn đề này, tại Hội nghị phát triển kinh tế khu vực biên giới gần đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng chỉ rõ, cần triển khai quy hoạch phát triển công nghiệp - thương mại khu vực biên giới, cửa khẩu. Kịp thời, chủ động trong việc đề xuất nâng cấp, mở mới các cặp cửa khẩu để đáp ứng nhu cầu giao thương của người dân, DN các nước chung biên giới. Đồng thời nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu chính ngạch, tiến tới xóa bỏ tiểu ngạch trong thương mại khu vực biên giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đẩy mạnh giao thương chính ngạch