Ngày 4/1, tới dự hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành Kế hoạch và đầu tư, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, trong năm 2023 ngành cần tiếp tục tham mưu xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Năm 2022 ngành Kế hoạch và đầu tư đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào thành tựu chung của cả nước như thực hiện tốt vai trò của cơ quan tổng hợp tham mưu cấp chiến lược, cơ quan đầu mối, điều phối điều hành kinh tế vĩ mô, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, đặc biệt với Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong các lĩnh vực tài khóa, tiền tệ, tín dụng, đầu tư, thương mại và giá cả. Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách tiếp tục được chú trọng, đẩy mạnh triển khai thực hiện; làm tốt hơn công tác tham mưu, hoàn thiện thể chế liên kết vùng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo đảm thông tin thống kê “là tai, là mắt” của Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh đó, ngành quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và tích cực triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và đóng góp tích cực vào cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy mạnh mẽ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và hình thành nhiều mô hình kinh tế mới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương sự nỗ lực của lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành Kế hoạch và đầu tư và Thống kê, đạt được những kết quả rất tích cực, góp phần quan trọng vào thành tựu của đất nước ta trong năm 2022.
Theo Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã bám sát, nắm chắc tình hình trong và ngoài nước để thực hiện vai trò của cơ quan tổng hợp tham mưu cấp chiến lược, cơ quan đầu mối, điều phối điều hành kinh tế vĩ mô, có sản phẩm cụ thể, hiệu quả lượng hóa được. Trong đó, một dấu ấn là trình cấp có thẩm quyền ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội có quy mô 347.000 tỷ đồng, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước, với 4 lĩnh vực trọng tâm mà thực tế khẳng định là đúng và trúng: An sinh xã hội, y tế, hạ tầng và hỗ trợ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ, công tác của ngành Kế hoạch, đầu tư và Thống kê vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Do đó, cần làm tốt hơn nữa công tác tham mưu chiến lược, phản ứng chính sách; sử dụng hiệu quả nguồn lực nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển, xây dựng cơ chế, thể chế thúc đẩy hợp tác công-tư; công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế; công tác truyền thông chính sách; công tác triển khai các quy hoạch; công tác xây dựng, lập kế hoạch, giải ngân, triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát đầu tư công.
Về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp năm 2023, Thủ tướng yêu cầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình khu vực và thế giới; nhận diện rõ thời cơ, thách thức; tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, chủ động xây dựng kịch bản để kịp thời tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp trong chỉ đạo, điều hành và triển khai các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, ứng phó kịp thời, hiệu quả với các biến động trong và ngoài nước; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Góp phần xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế thực chất, sâu rộng, hiệu quả.
Thủ tướng lưu ý, tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tham mưu thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát hiện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tổ chức thực hiện hiệu quả. Thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, góp phần thực hiện được chỉ tiêu về tốc độ tăng năng suất lao động xã hội. Tiếp tục tham mưu xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; phân bổ và sử dụng nguồn lực nhà nước phù hợp, hiệu quả. Đẩy mạnh hơn nữa hợp tác công-tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội.
Thủ tướng yêu cầu, Bộ đẩy mạnh chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực đang quản lý; nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thống kê, với quan điểm chủ đạo là thông tin thống kê trung thực, khách quan, chính xác, kịp thời và minh bạch, số liệu “đúng, đủ, sạch, sống”; làm tốt hơn nữa công tác truyền thông chính sách, theo tinh thần “nói được làm được”, “đi vào lòng người” để tạo đồng thuận xã hội, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ truyền thông.
Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực cấp dưới và tăng cường kiểm tra, giám sát, phân bổ nguồn lực. Thủ tướng nêu rõ, nếu được phân cấp, phân quyền, giao nhiệm vụ thì các tỉnh, thành phố rất phấn khởi và có động lực để triển khai vì các dự án cao tốc gắn liền với sự phát triển của địa phương. Thực tiễn đã cho thấy cách làm mới là phù hợp, hiệu quả.
Năm 2022 là năm có số lượng đăng ký doanh nghiệp cao nhất từ trước đến nay với trên 148.500 doanh nghiệp, tăng 27,1%; có trên 208.000 doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại, tăng 30,3% và gấp 1,45 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Dịch vụ công trực tuyến cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được đẩy mạnh; đã cung cấp gần 4.400 dịch vụ công trực tuyến, cao gấp 3 lần năm 2021 trên Cổng dịch vụ công quốc gia.