Đẩy mạnh kết nối tiêu thụ hàng hóa

Lê Bảo 27/09/2023 07:28

Sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi có tiềm năng rất lớn, tuy nhiên việc kết nối, phát triển thị trường trong thời gian qua mới chỉ đáp ứng được phần nào.

Theo bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), giai đoạn vừa qua đã có những bước tiến quan trọng trong việc thương mại hóa và đưa những sản phẩm của vùng đồng bào DTTS và miền núi vào với các kênh phân phối tại thị trường trong nước cũng như là đi xuất khẩu. Chẳng hạn như việc tổ chức những hoạt động về xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, xây dựng những cẩm nang để giới thiệu về sản phẩm đặc sản của vùng đồng bào DTTS.

Bên cạnh đó, một hoạt động nổi bật tổ chức được những điểm bán hàng hai chiều, cung ứng được hàng hóa thiết yếu cho bà con ở vùng đồng bào DTTS, đồng thời thu mua những sản phẩm, hàng hóa đã được thương mại hóa của vùng đồng bào DTTS để đưa về các vùng miền có đông người tiêu dùng lớn như Hà Nội và TPHCM.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn cho biết, với việc triển khai các chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS và miền núi đã góp phần khuyến khích và thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả bền vững và hướng đến xuất khẩu. Nhiều vùng sản xuất tập trung cũng đã được hình thành và hiện tại đang duy trì thực hiện tốt, nhiều sản phẩm của địa phương đã được bảo hộ về sở hữu trí tuệ và góp phần phát triển thương hiệu, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Rõ ràng hiệu quả đem lại từ những hoạt động thương mại hóa, đưa những sản phẩm đồng bào DTTS vào kênh phân phối tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu rất lớn. Tuy nhiên, theo bà Nga, việc khơi thông thị trường tại những địa phương này không dễ. Bà Nga nêu, những khó khăn trong tiêu thụ các sản phẩm địa phương, sản phẩm miền núi đó là, vẫn còn những địa bàn bà con chưa thành thạo việc thương mại hóa các đặc sản của mình; bà con gặp khó khăn trong tiếp cận với những kiến thức xây dựng tiêu chuẩn, các mẫu mã bao bì cũng như cách thức kết nối.

Bên cạnh đó, hạ tầng thương mại tuy đã có những cơ chế, chính sách mới nhưng vẫn chưa theo kịp, đáp ứng cho nhu cầu kết nối vùng miền...

Trong khi đó, những mô hình tổ chức hỗ trợ cho đồng bào DTTS về bán hàng trong các kênh phân phối hiện đại như Sài Gòn Co.op hay BigC… mới chỉ là chương trình đóng góp cho cộng đồng, chứ chưa trở thành những hoạt động thường xuyên.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cũng cho biết, quá trình đưa sản phẩm của đồng bào DTTS ra thị trường gặp rất nhiều khó khăn. Do sản phẩm nông nghiệp mang tính chất thời vụ, nên việc cung cấp thường xuyên cũng bị hạn chế.

Hơn nữa, một số loại sản phẩm số lượng chưa lớn, chưa đáp ứng được nhu cầu của các thị trường lớn ở trong nước cũng như thị trường quốc tế. Đặc biệt, các cơ sở sản xuất, chế biến chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Vì thế công nghệ chế biến, sản xuất vẫn còn hạn chế, dẫn tới việc chất lượng sản phẩm làm ra có những lúc chưa được ổn định.

Từ thực trạng trên, bà Nga cho rằng, để có thể khơi thông đầu ra cho sản phẩm của đồng bào DTTS, cần có những chính sách đột phá để thu hút được doanh nghiệp tham gia vào hỗ trợ các hộ nông dân, hộ sản xuất của các vùng đồng bào DTTS. “Ở giai đoạn thử nghiệm, tại một số địa phương như: Sơn La, Lạng Sơn, Lâm Đồng đã rất thành công trong việc thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư sản xuất, sơ chế, thu mua và xuất khẩu hoặc là đưa vào thị trường trong nước những sản phẩm của đồng bào DTTS” – bà Nga dẫn chứng và cho rằng, hiện nay tại miền núi, vùng sâu, vùng xa còn rất nhiều sản phẩm xanh và sạch, chứa đựng những bí quyết sản xuất, chế biến có tuổi đời hàng trăm năm chưa được khai thác ở quy mô sản xuất hàng hóa và phát triển thị trường. Vì vậy, thời gian tới rất cần sự hiệp lực của các cơ quan quản lý trung ương và địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp cùng các nhà sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, để từ đó hình thành chuỗi cung ứng bền vững cho các sản phẩm đặc trưng này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đẩy mạnh kết nối tiêu thụ hàng hóa