Đẩy mạnh phổ cập xóa mù chữ vùng đồng bào DTTS

Minh Thu 18/07/2023 11:30

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) được giao chủ trì Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 5 về nâng cao hiệu quả công tác xóa mù chữ vùng đồng bào DTTS. Sau hơn 2 năm triển khai, Bộ GD&ĐT đã bám sát các nội dung dự án, chủ động hướng dẫn các địa phương tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc để thực hiện hiệu quả mục tiêu đặt ra.

Lớp học xóa mù ở thôn Ba Sơn, xã Xuất Lễ huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.
Lớp học xóa mù ở thôn Ba Sơn, xã Xuất Lễ huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.

Ông Lê Như Xuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc (Bộ GD&ĐT) cho biết: Để triển khai hiệu quả công tác xóa mù chữ cho người dân ở vùng đồng bào DTTS, Bộ GD&ĐT đã tổ chức thẩm định, hoàn thiện, in ấn và cấp phát tài liệu Hướng dẫn thực hiện Chương trình xóa mù chữ giai đoạn 1 cho giáo viên và học viên; tổ chức tập huấn cho giáo viên cốt cán cấp tỉnh về Hướng dẫn dạy học Chương trình xóa mù chữ giai đoạn 1… Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 33/2021/TT-BGDĐT ngày 26/11/2021 của Bộ trưởng GD&ĐT về việc ban hành Chương trình xóa mù chữ. Từ nguồn lực thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 5, các địa phương cần đẩy mạnh hơn công tác xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS; chú trọng mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên các trường Phổ thông dân tộc nội trú, trường Phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú...

Để thực hiện nội dung này, được biết tỉnh Lạng Sơn đã nâng cao chất lượng hiệu quả công tác phổ cập xóa mù chữ, tỉnh đã ban hành nhiều chế độ chính sách để khuyến khích giáo viên giảng dạy và các học viên tham gia học lớp xóa mù. Theo đó, tại Kỳ họp thứ 14 khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, HĐND tỉnh Lạng Sơn đã thông qua Nghị quyết quy định nội dung chi, mức chi hỗ trợ người dân tham gia học xóa mù chữ thuộc Chương trình MTQG 1719. Theo đó, Lạng Sơn đã dành 5 tỷ đồng hỗ trợ công tác xóa mù chữ giai đoạn 2022 - 2025.

Lễ khai giảng lớp xóa mù chữ ở Dào San, Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.
Lễ khai giảng lớp xóa mù chữ ở Dào San, Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.

Còn tại tỉnh Lai Châu, những năm gần đây, ngành GD&ĐT của tỉnh đã tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Huy động số người mù chữ, tái mù chữ trong các độ tuổi ra học các lớp xóa mù chữ và tiếp tục giáo dục sau khi biết chữ. Đối với các huyện có xã biên giới, ngành GD&ĐT đã tích cực, chủ động phối hợp với các đồn Biên phòng, Hội Phụ nữ thực hiện tốt công tác xóa mù chữ. Qua đó, chất lượng, hiệu quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được nâng lên và đảm bảo tính bền vững. Tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến trường ở các bậc học ngày càng cao, là cơ sở đảm bảo cho các địa phương thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục, xóa mù chữ hằng năm. Đặc biệt khi triển khai thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 5, Sở GD&ĐT Lai Châu phối hợp với các tổ chức hội, lực lượng Biên phòng để mở lớp dạy xóa mù chữ. Dự kiến, giai đoạn 2021 - 2025, mở lớp dạy xóa mù chữ cho 5.583 người. Trong đó, năm 2022 mở 80 lớp xóa mù chữ với 1.630 học viên.

Để thực hiện hiệu quả Tiểu dự án 1, Dự án 5, ngoài mục tiêu nâng cao chất lượng phổ cập xóa mù chữ vùng đồng bào DTTS, hiện nay, Bộ GD&ĐT còn chủ động tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các trường Phổ thông dân tộc nội trú, trường Phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú, tạo điều kiện học tập cho học sinh vùng DTTS và miền núi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đẩy mạnh phổ cập xóa mù chữ vùng đồng bào DTTS

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO