Theo số liệu từ BHXH Việt Nam, trong tổng số nợ, nợ BHXH khoảng 10.000 tỷ đồng, nợ bảo hiểm y tế (BHYT) khoảng 2.000 tỷ đồng. Để hạn chế tình trạng nợ đọng BHXH, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã triển khai công tác thanh tra, xử phạt nghiêm ngặt, đồng thời định kỳ thông báo tới những đơn vị nợ trong vòng 15 ngày phải trả nợ, tăng cường công tác thanh tra nhờ đó đã thu gần 100.000 tỷ đồng nợ đọng trong 4 tháng.
Trong tháng 4, BHXH đã chi trả cho một bệnh nhân lên tới gần 1,4 tỷ đồng.
Truy đóng gần 7 tỷ đồng cho người lao động
Theo BHXH Việt Nam, đến cuối tháng 4/2018, số người tham gia BHXH bắt buộc là 13,75 triệu người; BHXH tự nguyện là 240 nghìn người; bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 11,6 triệu người; bảo hiểm y tế (BHYT) là 80,8 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 86,1% dân số.
Số thu trong tháng 4, toàn ngành thu 27.909 tỷ đồng, lũy kế hết tháng 4/2018 toàn ngành thu 96.747 tỷ đồng, trong đó: thu BHXH là 63.791 tỷ đồng; thu BHTN là 4.514 tỷ đồng; thu BHYT là 28.441 tỷ đồng.
Cũng trong tháng 4, toàn ngành giải quyết các chế độ BHXH cho hơn 1,1 triệu lượt người. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2018 đã giải quyết cho hơn 3,3 triệu lượt người, trong đó: 39.641 người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng, 211.800 lượt người hưởng trợ cấp 1 lần; 3.096.410 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe.
Tuy nhiên tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN vẫn diễn ra phổ biến. Tính đến cuối tháng 4, tổng số nợ là trên 10.000 tỷ đồng, chiếm 4,8% so với kế hoạch thu năm 2018 và tăng 0,6% so với tháng 3/2018.
Nguyên nhân, theo Phó Trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam) Mai Đức Thắng, một trong những nguyên nhân khiến số nợ tăng, là do nhiều doanh nghiệp vẫn đang tồn tại những khoản nợ kéo dài nhiều năm, khó thu hồi. Những tháng đầu năm 2018, một số doanh nghiệp kinh doanh sản xuất khó khăn, đặc biệt là chuyển HĐLĐ sang hình thức khoán cũng khiến thu giảm, nợ tăng lên.
Cũng theo ông Thắng, để đảm bảo quyền lợi người lao động, BHXH Việt Nam tiến hành kiểm tra, thanh tra liên ngành và thanh tra chuyên ngành. Tính đến hết tháng 3-2018, tổng số đơn vị sử dụng lao động được thanh tra, kiểm tra của toàn ngành là 943 đơn vị. Qua đó đã phát hiện 1.487 lao động chưa đóng, đóng thiếu thời gian phải tham gia, với số tiền truy đóng là hơn 6 tỷ đồng; đồng thời, lập biên bản 67 đơn vị vi phạm hành chính, với mức tiền xử phạt hơn 2 tỷ đồng.
Cũng trong tháng 4-2018, BHXH Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ; tiếp tục chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố đẩy mạnh việc trả sổ BHXH cho người lao động; hoàn thiện việc cấp, đổi thẻ BHYT theo mã số BHXH đã được đồng bộ với dữ liệu hộ gia đình.
Đáng chú ý, theo báo cáo từ đầu năm 2017, ngành BHXH đã tổ chức thực hiện rà soát, bàn giao sổ BHXH cho người lao động quản lý. Sau hơn một năm triển khai, tính đến ngày 31/3/2018, cả nước đã bàn giao được 11.325.624 sổ BHXH cho người lao động, đạt 78,81 % so với tổng số sổ BHXH phải bàn giao, tạo sự đồng thuận từ phía đơn vị sử dụng lao động, sự phấn khởi cho người tham gia BHXH khi lần đầu tiên được cầm cuốn sổ BHXH của mình.
BHXH chi trả gần 1,4 tỷ đồng cho 1 bệnh nhân
Liên quan đến tình hình thanh toán, chi phí khám chữa bệnh BHYT, ông Đặng Hữu Trung- Phó Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc, BHXH Việt Nam cho biết: Trong tháng 4 cơ quan BHXH Việt Nam đã chi trả cho bệnh nhân có địa chỉ tại Quảng Ninh và được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai với số tiền gần 1,4 tỷ đồng. Ngoài ra, trong tháng 4/2018, Quỹ BHXH đã chi trả cho 359 bệnh nhân với chi phí 300 triệu đồng; 123 bệnh nhân với chi phí từ 200 - 300 triệu đồng.
BHXH Việt Nam cho biết, tính đến ngày 24/4/2018, các cơ sở y tế đã gửi 49,9 triệu hồ sơ lượt khám chữa bệnh. Chi phí đề nghị thanh toán là 26.120 tỷ đồng, tăng 12,08% so với cùng kỳ 2017; số lượt khám bệnh, chi khám chữa bệnh BHYT tăng 19,21%, bằng 28,93% dự toán được giao.
Tính theo chi phí bình quân chung theo tuyến, số lượt KCB gia tăng cao nhất tại tuyến huyện với 2,7 triệu lượt tăng 14,95%; tuyến tỉnh là 14,03%, Trung ương vào khoảng 17,11%.
Về tình hình sử dụng dịch vụ kỹ thuật trong Quý I-2018, BHXH cho biết, chi phí tiền ngày giường điều trị cao nhất trong Quí I-2018, số tiền 3.711 tỷ đồng (Quí I-2017 là 2.783 tỷ đồng), chi phí gia tăng 928 tỷ đồng. Các tỉnh có gia tăng chi tiền giường cao như: Thừa Thiên - Huế 90,6 tỷ đồng (tăng 46,32%), Quảng Bình 41,8 tỷ (tăng 24,35%), Sơn La 45 tỷ đồng (tăng 16,52%)…