Giáo dục

Đẩy mạnh triển khai học bạ số

Thu Hương 01/04/2024 07:00

Từ tháng 4/2024, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội sẽ triển khai thí điểm học bạ số tại các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình GDPT cấp tiểu học.

anhbaitren.png
Cán bộ, giáo viên Trường THCS Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội) tham gia tập huấn, bồi dưỡng ứng dụng công nghệ thông tin. Ảnh: NTCC.

Trước đó theo yêu cầu của Bộ GDĐT, các địa phương phải triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học từ năm học 2023 - 2024. Lãnh đạo Bộ GDĐT yêu cầu các Sở GDĐT chủ động tháo gỡ khó khăn để làm tốt công tác thí điểm.

Giáo viên chuyển đổi số

Thông tin từ Sở GDĐT Hà Nội, năm học 2023 - 2024, ngành giáo dục Hà Nội có 2.852 trường mầm non, phổ thông, 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, 1 trường trung cấp chuyên nghiệp với 2,2 triệuhọc sinh (HS). Tất cả thông tin HS đã được cấp mã số trên cơ sở dữ liệu giáo dục đào tạo, được xác thực định danh với dữ liệu dân cư.

Ghi nhận đến thời điểm này 100% trường tiểu học đã được trang bị đầy đủ máy tính kết nối internet, có cán bộ vận hành hệ thống quản lý giáo dục chuyên ngành, cơ sở dữ liệu giáo dục đào tạo. 100% hồ sơ HS đã được gắn mã số định danh duy nhất, xuyên suốt trong quá trình học tập, sẵn sàng về dữ liệu để triển khai học bạ số.

100% giáo viên (GV), nhân viên đều có kinh nghiệm, trình độ công nghệ thông tin để tham gia sử dụng hệ thống quản lý thông tin giáo dục chuyên ngành. Tính đến ngày 15/3/2024, có 45% số GV, nhân viên ở các trường phổ thông đã được trang bị chữ ký số cá nhân với tổng số lượng 37.509 chữ ký số...

Đây là những nền tảng quan trọng tạo điều kiện thuận lợi để từ tháng 4 tới đây sẽ triển khai thí điểm học bạ số tại các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình GDPT cấp tiểu học và tới tháng 5 là cấp THCS. Việc triển khai thí điểm nhằm xây dựng, hoàn thiện mô hình, quy trình quản lý, sử dụng học bạ số, làm cơ sở để triển khai học bạ số thống nhất trên địa bàn toàn thành phố. Dự kiến tới tháng 7/2024, sẽ tổng kết và đánh giá, rút kinh nghiệm quá trình triển khai thí điểm.

Để chuẩn bị cho quá trình này, các phòng GDĐT, các cơ sở giáo dục suốt thời gian qua đã có những tập huấn cho cán bộ, GV cốt cán phụ trách công nghệ thông tin sau đó là GV trong toàn trường để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý hồ sơ trong nhà trường, hồ sơ GV, HS…

Tại Trường THCS Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội), để thúc đẩy, tạo điều kiện cho đội ngũ GV tiếp cận những đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong bối cảnh toàn ngành đang tập trung nâng cao nguồn nhân lực, trường đã thành lập nhóm GV cốt cán về chuyển đổi số. Nhóm gồm các thầy cô giáo, cán bộ nhân viên có năng lực Tin học tốt của nhà trường đến từ các tổ, với hoạt động là phổ biến, trao đổi các kinh nghiệm, kiến thức về sử dụng, khai thác bộ nhớ dùng chung của nhà trường hiệu quả, khoa học. Từ đó, giúp đỡ các GV khác trong trường dần nâng cao kỹ năng, trình độ công nghệ thông tin, nắm được quy trình, phương pháp sử dụng bộ nhớ dùng chung để quản lý hồ sơ, giúp giảm tải các thủ tục, sổ sách giấy tờ theo định hướng chính phủ số của nhà nước.

Tới đây, khi học bạ số được triển khai thí điểm ở các trường sẽ là một bước tiến lớn giúp giảm thiểu nhiều văn bản, giấy tờ. Nếu HS cần thì GV có thể xuất sang định dạng PDF và in luôn, GV cũng nhàn hơn trong việc tổng kết và làm điểm. Đặc biệt, nhờ quản lý tập trung sẽ tránh được gian lận điểm do nếu có việc sửa điểm sẽ còn lưu vết trên hệ thống.

Gỡ khó từ nhiều phía

Theo TS Nguyễn Sơn Hải - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GDĐT), học bạ điện tử là một dạng điện tử của học bạ, có chữ ký xác thực của người và tổ chức có thẩm quyền, có giá trị pháp lý và có thể sử dụng như học bạ giấy và sử dụng trên môi trường số. Nếu làm được học bạ điện tử sẽ mang lại lợi ích xã hội, cho nhà trường, GV, HS rất lớn.

Đến thời điểm này, Bộ đã có thông tư khuyến khích các nhà trường sử dụng học bạ điện tử, sổ điểm điện tử. Các trường học, địa phương cũng đã bắt tay triển khai, thậm chí có những nơi đã triển khai trong phạm vi toàn tỉnh. Tuy nhiên, việc triển khai bước đầu còn những khó khăn, giữa các trường khác tỉnh không đồng nhất.

Tại Nghệ An, ngành giáo dục đã triển khai, khuyến khích dùng học bạ điện tử trong những năm gần đây. Cứ cuối mỗi học kỳ, hệ thống được mở trong thời gian nhất định để GV nhập điểm, nhận xét. Khi hệ thống khóa, nếu có sai sót, thầy cô phải thông qua hiệu trưởng, trình bày lý do, được trường xác nhận và báo cáo với cấp trên thì mới được vào để sửa lại.

Giám đốc Sở GDĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cũng thông tin, năm 2024 toàn ngành ngành giáo dục thành phố sẽ đẩy mạnh triển khai thí điểm dự án “học bạ số”, góp phần đẩy nhanh tiến trình sử dụng học bạ số trên toàn quốc.

Ghi nhận những nỗ lực cũng như khó khăn của các địa phương với bài toán cơ sở dữ liệu, ông Hải chỉ ra từng địa phương vẫn còn nhiều việc phải triển khai để xây dựng một cơ sở dữ liệu tập chung do chính Sở GDĐT địa phương quản lý, kết nối thông xuống, quản lý và khai thác hiệu quả dữ liệu. Trong đó, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin đề nghị ngành giáo dục các địa phương cần tập trung tháo gỡ các khó khăn trong bất cập về cơ sở dữ liệu gồm: công tác kết nối, xác thực định danh, nâng cao hạ tầng kỹ thuật số - trung tâm điều hành, khai thác và quản lý đồng bộ nguồn dữ liệu…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đẩy mạnh triển khai học bạ số

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO