Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, lũy kế 11 tháng năm 2021, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc đạt 1,69 tỷ USD, tăng 18,3% so với 11 tháng năm 2020.
Trong số đó, xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu thuộc tỉnh Lạng Sơn đạt 478,2 triệu USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ; qua cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) đạt 379,1 triệu USD, tăng 62% so với cùng kỳ. Thế nhưng từ đầu tháng 12 đến nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp, phía Trung Quốc đã tăng cường thêm các biện pháp quản lý khiến năng lực thông quan tại các cửa khẩu giảm mạnh.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến khó lường, ngày 11/12 vừa qua, Trung Quốc đã ra công điện số 14 gửi các bộ, ngành, địa phương về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các cửa khẩu. Nội dung công điện nêu rõ việc Trung Quốc tiếp tục kiên trì chính sách “Zero Covid”; trong đó, có việc quản lý nghiêm ngặt đối với người và hàng hóa nhập cảnh. Phía Trung Quốc cũng có nhiều điều chỉnh về quy trình kiểm dịch đối với người, phương tiện và hàng hóa qua cửa khẩu nhằm tăng cường kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19. Vì thế quá trình thông quan chậm hơn, lượng hàng hóa ùn tắc tăng cao trong điều kiện bảo quản không tốt đã khiến chi phí cũng như tổn thất của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gia tăng.
Dù Bộ Công thương đã nhiều lần khuyến cáo nhưng do nước ta đang vào chính vụ thu hoạch một số nông sản nên lượng nông sản đưa lên khu vực biên giới phía Bắc vẫn rất lớn, dẫn đến phát sinh tình trạng ùn ứ, tồn đọng hàng hóa, phương tiện tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Ngay sau khi Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về tình hình ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, ngày 23/12, Bộ Công thương đã có văn bản số 8297/BCT-XNK gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tháo gỡ vấn đề này. Đặc biệt, Bộ Công thương cũng khuyến cáo DN nên chuyển sang xuất khẩu chính ngạch, đẩy mạnh bán hàng qua thương mại điện tử cũng như xuất khẩu sang các cửa khẩu của các địa phương khác ngoài Lạng Sơn nhằm giảm tình trạng ùn tắc hàng hóa tại khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Trên thực tế, việc đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang hình thức chính ngạch đang được Bộ Công thương chỉ đạo các địa phương, DN thực hiện. Song thời điểm này để gỡ khó cho người dân và DN, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, trường hợp vì lý do khách quan chưa thể chuyển ngay sang xuất khẩu chính ngạch, các thương nhân, DN chỉ vận chuyển hàng lên biên giới khi đã có thỏa thuận với khách mua hàng về địa chỉ tiêu thụ...
Thực tiễn cho thấy hàng hóa xuất khẩu chính ngạch luôn có khả năng thông quan thuận lợi hơn rất nhiều, so với hàng hóa vận chuyển lên biên giới để xuất khẩu theo hình thức tiểu ngạch. Về lâu dài, chỉ có xuất khẩu chính ngạch mới bền vững.