Chủ trì buổi tham vấn ý kiến chuyên gia về triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT) và môn Lịch sử bậc THPT vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn cho hay, trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, Bộ sẽ cân nhắc các phương án trong thời gian sắp tới và xin ý kiến các cấp có thẩm quyền.
Cần lắng nghe tham vấn
Tham gia buổi làm việc tham vấn ý kiến chuyên gia về triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT) và môn Lịch sử bậc THPT trong chương trình này có thành viên Ban phát triển chương trình GDPT 2018; thành viên Hội đồng thẩm định chương trình GDPT tổng thể và Hội đồng thẩm định chương trình môn Lịch sử trong chương trình GDPT 2018. Tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cùng các thành viên Ban phát triển chương trình, Hội đồng thẩm định chương trình GDPT tổng thể đã nghe nhiều ý kiến phân tích sâu về cách bố trí và tổ chức dạy học môn Lịch sử. Bộ GDĐT cho biết, các chuyên gia đều khẳng định Chương trình GDPT 2018 được xây dựng đúng đường lối; công phu, khoa học, phù hợp với thông lệ quốc tế…
Trong khi, theo kế hoạch chương trình GDPT mới, chương trình lớp 10 từ năm học 2022-2023 chỉ yêu cầu học sinh học 7 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương. Các em chọn 5 môn khác từ ba nhóm môn (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn): Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật - Âm nhạc và Mỹ thuật). Như vậy, Lịch sử là môn lựa chọn ở cấp THPT chứ không bắt buộc như trước đây.
Xin nói rõ thêm, Chương trình GDPT 2018 được thông qua từ năm 2018. Sau 4 năm chuẩn bị, khi sắp được triển khai với lớp 10, chương trình vấp phải nhiều ý kiến tranh cãi về việc để Lịch sử là môn lựa chọn. Nhiều ý kiến cho rằng như vậy là không thỏa đáng với vị trí đặc biệt quan trọng của môn Sử. Thậm chí nhiều người bày tỏ lo ngại môn Lịch sử - nếu không được giảng dạy đầy đủ trong nhà trường sẽ khiến các thế hệ sau lãng quên quá khứ, ảnh hưởng đến tình yêu đất nước.
Trước băn khoăn từ dư luận, giữa tháng 4 vừa qua, Bộ GDĐT khẳng định việc bố trí môn Lịch sử trong chương trình mới vẫn đáp ứng được yêu cầu giáo dục môn học này cho học sinh phổ thông. Bộ GDĐT lý giải, chương trình GDPT mới được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn giáo dục cơ bản (5 năm tiểu học và 4 năm THCS) nhằm đảm bảo trang bị cho học sinh tri thức phổ thông nền tảng. Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (3 năm THPT) bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông.
Xác định đúng tầm môn Lịch sử
Trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri và người dân trước kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XV chiều 11/5 vừa qua, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm và băn khoăn với việc Lịch sử là môn lựa chọn ở bậc THPT. Cử tri cho rằng việc này có thể gây “hậu quả, hệ lụy khó lường”. Nhiều đại biểu cùng đề nghị Bộ GDĐT xem xét một cách thận trọng chương trình cải cách giáo dục, nhất là đưa Lịch sử thành môn học lựa chọn ở cấp THPT.
Cùng với đó, nêu ý kiến về lĩnh vực theo dõi, ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội cho hay, Ủy ban đã nghiên cứu và tổ chức tọa đàm với chuyên gia, đại diện một số cơ quan về dạy học môn Lịch sử ở cấp THPT. Dự kiến ngày 22/5, Ủy ban sẽ có phiên họp toàn thể thảo luận vấn đề này. Theo ông Vinh: Sơ bộ ý kiến của các chuyên gia chúng tôi thấy rằng về tính cần thiết thì môn Lịch sử nên xem xét là một môn học đặc thù, môn học đặc biệt quan trọng và theo hướng là môn lựa chọn bắt buộc.
Tại buổi làm việc tham vấn ý kiến chuyên gia về triển khai Chương trình GDPT 2018 và môn Lịch sử bậc THPT nêu trên, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, Bộ sẽ cân nhắc các phương án trong thời gian sắp tới và xin ý kiến các cấp có thẩm quyền.