Báo cáo mới nhất từ Bộ Tài chính về tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2018 cho thấy nhiều vấn đề.
Theo đó, ước thanh toán 5 tháng đầu năm 2018 là 94.108 tỷ đồng đạt 23,54% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt 24,5% sở kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Vốn trong nước là 87.181 tỷ đồng đạt 25,66% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 26,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao trong đó vốn trái phiếu Chính phủ là 5.285 tỷ đồng đạt 10,57% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 12,61% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Và cuối cùng phần vốn nước ngoài được giải ngân là 6.927 tỷ đồng đạt 11,55% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 13,18 kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Theo đánh giá chung, việc giải ngân vốn của các bộ/ngành và địa phương trong 5 tháng đầu năm đã có những chuyển biến tích cực so với các tháng đầu năm và đạt xấp xỉ tỷ lệ giải ngân cùng kỳ năm 2017, trong đó vốn trong nước có tỷ lệ giải ngân cao hơn khoảng 2% so với cùng kỳ.
Có 8 bộ ngành trung ương và 12 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao trên 40% kế hoạch. Đặc biệt có 4 bộ ngành và 2 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao trên 50%.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều bộ/ngànhvà địa phương có số giải ngân thấp, cụ thể có 37/56 bộ/ngành trung ương và 21/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch năm 2018 thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Trong đó có 23 bộ/ngành và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp dưới 10%.
Bộ Tài chính cũng chỉ ra một số dự án đã hết thời hạn giải ngân vốn theo thỏa thuận, hiệp định, đang làm thủ tục gia hạn giải ngân như Dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thả thành phố Thái Nguyên, Dự án cấp nước và vệ sinh thị xã Bắc Kạn.
Một số dự án cấp phát và cho vay lại cũng chưa giải ngân được do vướng mắc trong thực hiện ký kết hợp đồng cho vay lại: Dự án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai ở các tỉnh Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh; Dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long,…
Ngoài ra một số dự án đang trong quá trình thanh quyết toán ở giai đoạn cuối nên tiến độ giải ngân không đều như Dự án đường nối Nội Bài - Nhật Tân, Dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt Hà Nội - TPHCM vốn vay JICA.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, Bộ Tài chính cho rằng, phải thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các chủ đầu tư thực hiện rà soát, đánh giá khả năng giải ngân kế hoạch vốn năm 2018 của các dự án không có nhu cầu và khả năng giải ngân kế hoạch vốn năm do có khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng...
Trên cơ sở đó, chủ động điều chuyển hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn sang các dự án khác thuộc danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn có nhu cầu, có tiến độ giải ngân tốt, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành dự án đưa vào khai thác sử dụng.
Trường hợp không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn phải báo cáo cấp có thẩm quyền để có kế hoạch điều chuyển sang các bộ, ngành đang có nhu cầu.
Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt hơn nữa trong điều hành; chủ động kiểm tra, giám sát, rà soát tháo gỡ vướng mắc, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý. Đồng thời, kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm, cản trở làm ảnh hưởng đến thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công.
Bình luận về việc vướng mắc trong việc giải ngân vốn đầu tư công, nhiều chuyên gia cho rằng có cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Trong đó có một phần do khả năng cân đối ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn. Các địa phương chưa rà soát, cắt giảm, điều chỉnh, phân kỳ đầu tư hoặc bổ sung vốn khác đối với các dự án chưa được bố trí đủ vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, vẫn còn một số bộ, địa phương chưa chấp hành nghiêm túc các quy định, nguyên tắc, tiêu chí và thứ tự ưu tiên trong phân bổ kế hoạch trung hạn nên quá nhiều dự án đưa vào danh mục đầu tư.