Chiều 8/1, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về: Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Tại phiên họp, trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: Tại Nghị quyết số 108/2023/QH15 của Quốc hội về giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” đã giao Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện một số cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Thẩm tra vấn đề trên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê K’đăm bày tỏ quan điểm, Hội đồng Dân tộc thống nhất với sự cần thiết trong tờ trình của Chính phủ, việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù là xuất phát từ thực tiễn để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và thực hiện khoản 2, Điều 2, Nghị quyết số 108/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội về giám sát chuyên đề về các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, tại kỳ họp thứ 6, trên cơ sở báo cáo của Đoàn Giám sát, Quốc hội đã có Nghị quyết giao Chính phủ khẩn trương chỉ đạo xây dựng Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
“Việc giao nhiệm vụ này thể hiện tinh thần của Quốc hội luôn theo đến cùng, đi đến cùng vấn đề giám sát, đồng thời cũng đồng hành, kiến tạo đến cùng, để tạo chuyển biến thực chất trong đời sống” - ông Phương nhấn mạnh.
Đồng tình với việc ban hành Nghị quyết để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy các chương trình mục tiêu quốc gia, theo bà Nguyễn Thị Thanh - Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đây là vấn đề đã giám sát tại kỳ họp vừa qua. Do đó bây giờ cần “cơ chế đặc thù” chứ không nên “thí điểm” nữa.
Nhấn mạnh thời gian thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia còn 2 năm nữa, bà Thanh đề nghị, cân nhắc, nên chọn lọc các cơ chế thiết thực để khi có nghị quyết có thể thực hiện được ngay chứ không nên chờ đợi văn bản hướng dẫn mới thực hiện được.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, cơ chế, chính sách đặc thù nhưng không được trái với những chủ trương, đường lối của Đảng, phải phù hợp với Hiến pháp, các thỏa thuận quốc tế.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ thống nhất và đánh giá cao với sự cần thiết của việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù. Đây là vấn đề xuất phát từ thực tiễn để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia để đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả của các chương trình này trong thời gian tới.