Sức khỏe

Đẩy nhanh tốc độ phát hiện chủ động bệnh lao tại cộng đồng

Thanh Bình 11/10/2023 11:00

Bệnh lao được biết đến là một trong những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và tính mạng của con người. Nếu bệnh không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn tới tử vong. Vì vậy, thời gian qua, nhiều địa phương đang tích cực triển khai mô hình phát hiện chủ động bệnh lao tại cộng đồng với quy mô rộng, thí điểm mô hình chấm dứt bệnh lao trên nhiều địa bàn.

Ninh Bình - tiên phong triển khai mô hình chủ động phát hiện bệnh lao

Trong số các địa phương, Ninh Bình là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước tiên phong triển khai mô hình phát hiện chủ động bệnh lao tại cộng đồng với quy mô rộng, thí điểm mô hình chấm dứt bệnh lao ở từng địa phương.

Theo thống kê hiện Việt Nam đứng thứ 11 trong 30 nước có tỷ lệ mắc bệnh lao cao nhất trên thế giới. Tại Ninh Bình, tỷ lệ bệnh nhân lao mới mắc được phát hiện năm 2020-2022 là 70/100.000 người dân. Như vậy, tính tỷ lệ phát hiện đạt 70%, còn 30% bệnh nhân lao trong cộng đồng chưa được phát hiện điều trị, đây là nguồn lây chính của bệnh lao. Và đây cũng là cơ sở để Ninh Bình đẩy mạnh việc triển khai mô hình phát hiện chủ động bệnh lao tại cộng đồng.

Tại Hội thảo đánh giá hoạt động phát hiện lao chủ động tại huyện Gia Viễn do Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Phổi Ninh Bình phối hợp với Sở Y tế Ninh Bình và UBND huyện Gia Viễn, bác sĩ Chuyên khoa I Vũ Thị Bích Thảo - Giám đốc Bệnh viện Phổi Ninh Bình cho biết, việc thực hiện sàng lọc chủ động bệnh lao áp dụng chiến lược 2X tại huyện Gia Viễn diễn ra từ ngày mùng 10 đến hết ngày 24/6/2023, đoàn bác sĩ của Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Phổi Ninh Bình phối hợp với Trung tâm Y tế huyện và các địa phương đã tổ chức khám sàng lọc cho gần 10 nghìn người. Kết quả phát hiện 19 bệnh nhân lao phổi, trong đó có 1 bệnh nhân lao kháng thuốc, 18 bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học, 1 bệnh nhân lao phổi âm tính; thu nhận điều trị 22 bệnh nhân lao tiềm ẩn; 288 trường hợp người có kết quả Xquang bất thường được chỉ định làm xét nghiệm Xpert.

Tiến sĩ, bác sĩ cao cấp Đinh Văn Lượng - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng Ban Điều hành Chương trình chống lao Quốc gia đánh giá cao những kết quả ban đầu rất tích cực mà Bệnh viện Phổi tỉnh Ninh Bình đã triển khai, đồng thời nhấn mạnh: "Mục tiêu kết thúc bệnh lao vào năm 2035 chỉ có thể thành công với sự tham gia hưởng ứng tích cực của toàn xã hội, của người dân". Trưởng ban Điều hành Chương trình Chống lao Quốc gia hy vọng Ninh Bình sẽ trở thành tỉnh đầu tiên chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam, là cơ sở điển hình để mở rộng mô hình ra các tỉnh khác trên toàn quốc.

Hội thảo để đánh giá hoạt động chủ động phát hiện bệnh lao tại huyện Gia Viễn, Ninh Bình.
Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc (bên trái) và TS.BSCC Đinh Văn Lượng, Giám đốc BV Phổi Trung ương, Trưởng ban Điều hành Chương trình Chống lao Quốc gia (ảnh phải) tại Hội thảo.

Nâng cao nhận thức cho người dân

Một địa điểm khác cũng rất tích cực trong công tác chủ động phòng, chống bệnh lao chính là Bệnh viện Phổi Bắc Giang. Thời gian qua, Bệnh viện đã xây dựng kế hoạch tổ chức truyền thông và khám phát hiện chủ động các ca Lao, Lao tiềm ẩn theo chiến lược 2X (sàng lọc lao với Xquang phổi kết hợp với xét nghiệm đờm bằng Gene Xpert) tại cộng đồng.

Theo Kế hoạch trong năm 2023, Bệnh viện tổ chức truyền thông và khám phát hiện chủ động lao và lao tiềm ẩn theo chiến lược 2X tại cộng đồng cho 5 huyện. Bệnh viện cũng tăng cường phát hiện, chẩn đoán sớm ca bệnh lao bằng chiến lược 2X tại cộng đồng và đưa vào quản lý, điều trị lao hiệu quả trong Chương trình chống lao quốc gia.

Mới đây, hồi đầu tháng 7, nhiều người đã tìm đến Trung tâm Y tế huyện Lục Nam để được khám bệnh lao. Chương trình do Bệnh viện Phổi Bắc Giang phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Lục Nam tổ chức nhằm khám tầm soát người mắc bệnh lao tại một số xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Đối tượng được khám là những người có triệu chứng, nguy cơ mắc lao như: Ho kéo dài, người nhiễm HIV, sống cùng nhà với bệnh nhân lao phổi, người cao tuổi, mắc bệnh hen, đái tháo đường… Các bác sĩ, kỹ thuật viên của Bệnh viện chụp X-Quang và lấy mẫu đờm xét nghiệm cho 190 trường hợp; phối hợp tổ chức hội chẩn để xác định người mắc. Người mắc bệnh sẽ được chỉ định thu dung vào điều trị tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang.

Trước khi triển khai khám sàng lọc, Bệnh viện Phổi Bắc Giang phối hợp với các trạm y tế tổ chức truyền thông giúp người dân nâng cao nhận thức, áp dụng các biện pháp dự phòng bệnh lao. Cùng đó, giới thiệu một số biểu hiện nghi nhiễm hoặc nhiễm bệnh lao thường gặp ở từng nhóm tuổi, tư vấn người dân đến cơ sở y tế để được khám và điều trị hiệu quả bệnh.

Chương trình khám sàng lọc bệnh nhân mắc lao do Bệnh viện Phổi Bắc Giang tổ chức diễn ra đến hết tháng 7/2023. Theo đó, sẽ có khoảng 700 người dân trên địa bàn huyện được khám miễn phí từ hoạt động này.

Nhân viên Trạm Y tế xã Trường Giang tư vấn người dân cách phòng, chống bệnh lao tại cộng đồng.
Nhân viên Trạm Y tế xã Trường Giang tư vấn người dân cách phòng, chống bệnh lao tại cộng đồng.

Trẻ em - đối tượng cần đặc biệt chú ý

Cách đây không lâu, các bác sĩ Trung tâm Bệnh nhiệt đới của Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận một bé gái 3 tháng tuổi từ Hoà Bình, nhập viện trong tình trạng ho, khó thở, sốt cao, co giật toàn thân được chẩn đoán mắc bệnh lao toàn thể bao gồm lao phổi và lao màng não.

Theo lời Bác sĩ Nguyễn Phương Thảo, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhi cho biết, trước khi vào viện khoảng 1 tháng, trẻ có biểu hiện ho húng hắng, gia đình cho trẻ đi khám tại một số phòng khám tại địa phương và được chẩn đoán viêm nhiễm đường hô hấp. Trước vào viện 3 ngày, trẻ xuất hiện ho nhiều và xuất hiện một cơn co giật toàn thân, kèm khó thở, được gia đình đưa đến bệnh viện tuyến tỉnh điều trị, sau đó, được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, qua thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, trẻ được chẩn đoán mắc bệnh lao toàn thể bao gồm: lao phổi và lao màng não. Khai thác tiền sử gia đình thì được biết cách đây một năm bố của trẻ đã được chẩn đoán mắc bệnh lao, do chưa hiểu biết về nguy cơ lây bệnh lao cho những người tiếp xúc nên đã lây cho trẻ.

May mắn, sau 3 tuần điều trị tích cực tình trạng sức khoẻ của trẻ ổn định và được ra viện ngay sau đó.

Được biết, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, hàng năm phát hiện và điều trị khoảng 70 đến 80 ca bệnh lao. Tập trung tại Bệnh viện Nhi Trung ương là những ca lao nặng, khó chẩn đoán. Trong đó, gồm các thể lao phổi - màng phổi (45%), lao toàn thể (18%), lao màng não (30%), lao xương, lao hạch.

Hầu hết trường hợp xảy ra ở trẻ nhỏ (<5 tuổi) và bệnh xảy ra trong vòng hai năm sau tiếp xúc với nguồn bệnh (đa số trong vòng 1 năm). Tỉ lệ nhiễm lao cao ở những trẻ em phơi nhiễm. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sống trong gia đình có người bị lao cao hơn so với trẻ sống trong gia đình không mắc bệnh lao, nếu mẹ bị lao tỉ lệ tử vong tăng gấp 8 lần. 71% trẻ bỏ lỡ cơ hội dự phòng lao bị mắc lao sau này. Trong đó, 81% là xtagstartz3 tuổi, 25% mắc lao lan tỏa và 5% tử vong. Nguồn lao là mẹ hoặc cha trong các trường hợp này

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đẩy nhanh tốc độ phát hiện chủ động bệnh lao tại cộng đồng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO