Đẩy nhanh triển khai các chương trình phục hồi kinh tế

M.Loan-H.Vũ 29/10/2022 06:45

Ngày 28/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp khôi phục phát triển kinh tế cũng như tăng lương để giữ chân cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc.

Toàn cảnh phiên họp sáng 28/10. Ảnh: Quang Vinh.

Đẩy mạnh giải ngân, quan tâm tới doanh nghiệp

Đề cập đến giải pháp trong điều hành kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2022 và năm 2023 để khôi phục phát triển kinh tế, đại biểu Lý Thị Lan (đoàn Hà Giang) đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục điều hành linh hoạt như giai đoạn vừa qua, trong đó quyết liệt triển khai tháo gỡ, giải ngân vốn đầu tư công và chương trình phục hồi kinh tế.

Theo bà Lan, Chính phủ cần tiếp tục linh hoạt, kịp thời trong điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ, nhất là các biện pháp để kiểm soát và kiềm chế lạm phát, trong đó tập trung hỗ trợ kịp thời để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN), mở rộng thị trường, đảm bảo nguồn lực cho các chính sách an sinh xã hội, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hành tiết kiệm chi tiêu hợp lý. Đồng thời, Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện vốn của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia sang năm 2023.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, bên cạnh các kết quả đạt được thì cơ cấu ngân sách nhà nước chưa vững chắc, nguồn thu từ đất, từ thuế thu nhập cá nhân, vẫn còn rất lớn. Thu từ khu vực sản xuất kinh doanh chỉ bằng 1/3 tổng nguồn thu, trong đó có thu từ dầu hỏa. Mặc dù các DN đã phục hồi sản xuất kinh doanh, nhưng có địa phương thu rất cao, có địa phương thu thấp.

Từ đó, đưa ra giải pháp để phục hồi phát triển kinh tế trong thời gian tới, ông Hòa đề nghị Chính phủ quan tâm nhiều hơn trong việc dự toán thu từ sử dụng đất, thu từ các nguồn thu và cần có sự cân đối thực tế để có sự phấn đấu, tránh những trường hợp dự toán thấp để vượt thu, hưởng tỷ lệ cho địa phương.

Cho rằng, Chính phủ cũng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập và đưa ra 12 nhóm giải pháp để thực hiện trong thời gian tới, ĐB Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh) đề nghị Chính phủ có giải pháp để khắc phục, đẩy nhanh tiến độ, chất lượng ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu, rút ngắn thời gian phân bổ vốn, giao vốn. Đồng thời, Chính phủ cần tiếp tục có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy các chính sách hỗ trợ DN.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định) cũng cho rằng, áp lực lạm phát có xu hướng tăng gây thách thức đối với nhiệm vụ kiểm soát lạm phát ngay từ đầu năm 2023. “Kinh nghiệm thế giới cho thấy nếu không có giải pháp kiểm soát kịp thời thì lạm phát sẽ trở thành rào cản ngược đối với tăng trưởng kinh tế. Do đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước quan tâm chỉ đạo sát sao vấn đề này” - ông Dũng nói và lưu ý, trong thời gian tới việc giảm lãi suất cho vay cũng khó có thể thực hiện được do các ngân hàng lớn trên thế giới tiếp tục tăng lãi suất nhanh và mạnh, cùng với lạm phát trong và ngoài nước có xu hướng tăng, chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất điều hành của Cục Dự trữ liên bang Mỹ gây sức ép lớn đến tỷ giá Việt Nam. Vì thế đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh nhiệm vụ này cho phù hợp với diễn biến tình hình thế giới và trong nước.

Tăng lương để giữ chân cán bộ

Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh), cần có Nghị quyết cải cách tiền lương và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức theo nguyên tắc lương, thu nhập phải đủ để người lao động tái sản xuất, mở rộng sức lao động, chăm lo một phần cho gia đình.

“Lưu ý mức sống tối thiểu ngày nay không chỉ là ngày ba bữa cơm, mỗi năm 2 bộ quần áo như thời bao cấp. Để nguồn lực không bị quá tải, những đối tượng thu nhập thấp không đủ cho mức sống tối thiểu cần được tăng lương ngay lập tức kể từ ngày 1/1/2023” - ông Nghĩa kiến nghị và lưu ý ưu tiên quan tâm đến hai ngành Y tế, Giáo dục và những người hưởng lương hưu hay trợ cấp thu nhập thấp, các đối tượng thu nhập cao hơn thì tăng chậm và ít hơn và để chia sẻ khó khăn chung, đồng thời tiến tới ban hành luật về lương tối thiểu.

Liên quan đến việc nhiều cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc trong thời gian qua, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (đại biểu đoàn Hà Nội) cũng đề nghị, cần làm rõ nguyên nhân tiền lương của người lao động, công chức, viên chức còn ở mức thấp dẫn đến tình trạng cán bộ, công chức chuyển việc, nghỉ việc. “Tình trạng này là do năng lực cá nhân chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, hay do thiếu chính sách tái tạo, bồi dưỡng, hay do môi trường, văn hóa, điều hành? Đây là vấn đề cần làm rõ để khắc phục kịp thời tình trạng này trong thời gian tới” - Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nêu.

Bày tỏ sự quan tâm về chính sách cho cán bộ, công chức cấp xã, ĐB Lê Văn Dũng (đoàn Quảng Nam) đánh giá, vấn đề cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã đang bộc lộ nhiều bất cập như những người hoạt động không chuyên trách cấp xã với mức thu nhập rất thấp, lại không được hưởng đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động nên thiệt thòi rất lớn đến quyền lợi khi tham gia vào bảo hiểm xã hội.

“Công chức cấp xã chưa liên thông với công chức cấp huyện. Khi công chức cấp huyện được luân chuyển, điều động về cấp xã được xem là biên chế thuộc công chức cấp xã nên không được hưởng các chế độ của cấp huyện, kể cả không được thi chuyển ngạch, nâng ngạch mặc dù công chức đã đủ điều kiện. Đồng thời khi công chức cấp xã trở về lại huyện thì phải được cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định thì mới về được. Từ thực tế đó, nhiều cán bộ, công chức, người lao động không chuyên trách cấp xã không yên tâm công tác, nhất là ở các vùng miền núi”- ông Dũng phát biểu, từ đó kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức theo hướng quy định cán bộ, công chức nhà nước có 4 cấp.

“Hiện nay có 3 cấp nên cấp xã chưa được coi là công chức nhà nước nên rất khó khăn. Đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định 34 theo hướng xóa bỏ chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã, đồng thời tăng định biên công chức cho cấp xã theo phân loại và giao định biên để các địa phương tự chủ động trong việc bố trí hợp lý theo nhu cầu thực tế” - ông Dũng nói.

Tham gia thảo luận, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, các chính sách ưu đãi đối với người có công, bảo trợ xã hội, người yếu thế, người nghèo đều được quan tâm thông qua việc Nhà nước ban hành các chính sách, các thể chế về vấn đề này và có nhiều chính sách hỗ trợ vượt trội. Tuy nhiên nhìn chung về công tác đảm bảo an sinh xã hội và các chính sách xã hội, giảm nghèo bền vững của chúng ta còn nhiều thách thức. Trong thời gian tới, Bộ LĐTBXH sẽ tiếp tục tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư để sớm ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với giáo dục nghề nghiệp, và xây dựng thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, phát triển bền vững.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, công tác quản lý đất đai là vấn đề hết sức quan trọng. Việc sửa đổi Luật Đất đai lần này sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến của các đại biểu. Chủ trương nhất quán là bám sát nguyên tắc không làm thất thoát tài sản của nhà nước, không hợp thức hóa những sai phạm. Việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ tập trung vào các công cụ như quy hoạch, kế hoạch, định giá và hầu hết các phương thức giao đất là đấu thầu và đấu giá để đảm bảo công khai, minh bạch.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên:

Bảo đảm nguồn cung trong mọi tình huống

Thời gian qua thị trường xăng dầu nước ta cơ bản ổn định, tổng nguồn cung không thiếu, giá cả hợp lý. Tuy nhiên, để xảy ra hiện tượng thiếu hàng cục bộ tại một số tỉnh phía Nam là điều rất đáng tiếc và bất thường. Bởi dù hoàn cảnh khó khăn giống nhau nhưng phần lớn các tỉnh, thành phố, nhất là phía Bắc và miền Trung thì không xảy ra như vậy.

Để kịp thời khắc phục tình trạng nêu trên, thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tham mưu cho cấp có thẩm quyền phối hợp chặt chẽ với các ngành, cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các DN đầu mối, thương nhân phân phối, chia sẻ nguồn cung trong dự trữ thương mại của mình để kịp thời chi viện cho những địa bàn cần ứng cứu. Tiếp tục động viên, phân giao chỉ tiêu bổ sung cho các DN sản xuất, DN đầu mối để tăng sản lượng sản xuất và nhập khẩu, bảo đảm nguồn cung ra thị trường trong mọi tình huống.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đẩy nhanh triển khai các chương trình phục hồi kinh tế