Lai Châu là tỉnh miền núi, biên giới, với 20 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 5 dân tộc rất ít người là Cống, Mảng, Si La, La Hủ và Lự. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 86% dân số của tỉnh. Khó khăn lớn nhất của học sinh dân tộc thiểu số khi đến trường là khả năng sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp, học tập.
Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác dạy tiếng Việt cho học sinh trên địa bàn, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Thổ đã cụ thể hóa đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025” của tỉnh Lai Châu trong thực hiện nhiệm vụ năm học, với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú.
Ông Nguyễn Vương Hùng, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Với đặc thù là huyện biên giới, có đông người dân tộc thiểu số, Phòng đã chỉ đạo các trường xây dựng mô hình thư viện tại trường; tổ chức ngày hội đọc sách, hội thi giao lưu tiếng Việt giúp các em tự tin, mạnh dạn hơn trong giao tiếp. Mặt khác, đẩy mạnh tuyên tuyền tại các trường mầm non, tiểu học với nhiều hình thức như: qua các hội thi, hệ thống loa phát thanh, chương trình măng non của trường, các cuộc họp bản…; phối hợp với chính quyền địa phương vận động cha mẹ học sinh thường xuyên giao tiếp bằng tiếng Việt tại gia đình để trẻ có thêm vốn từ. Đến nay, trên địa bàn, tỷ lệ học sinh mầm non ra lớp theo đúng độ tuổi đạt gần 100%; học sinh tiểu học dân tộc thiểu số đã mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của huyện.
Còn tại huyện Tam Đường, ông Phạm Chiến Công, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho hay: Thời gian qua, Phòng đã chỉ đạo các trường làm tốt công tác phối hợp giữa gia đình, khuyến khích cha mẹ trẻ nói tiếng Việt tại gia đình, cộng đồng nơi trẻ sinh sống, để tạo cơ hội cho trẻ thường xuyên được sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp hàng ngày.
Đồng thời, Phòng cũng chỉ đạo các trường khai thác sử dụng có hiệu quả các thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi; xây dựng mô hình thư viện thân thiện, tạo không gian đọc cho học sinh đảm bảo tạo môi trường học tập thân thiện phù hợp với nội dung giáo dục của từng độ tuổi, từng chủ đề, lớp học. Đến nay, tất cả trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số đều được tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi. Tỷ lệ trẻ ra lớp theo đúng độ tuổi đạt gần 100%.
Khuyến khích giáo viên học tiếng dân tộc
Do đặc thù là tỉnh có đông người dân tộc thiểu số, nên khả năng nói thành thạo tiếng Việt của học sinh còn nhiều hạn chế. Xác định khó khăn này, các trường học trên địa bàn đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh.
Năm học 2021-2022, Trường Mầm non Thu Lũm, xã biên giới Thu Lũm, huyện Mường Tè có 178 trẻ dân tộc Hà Nhì, Dao và La Hủ. Hầu hết trẻ chưa nói sõi tiếng Việt, gây khó khăn trong việc giao tiếp giữa cô và trò.
Cô giáo Tao Thị Yên, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Nhằm giúp trẻ có thể nói được tiếng Việt ngay từ nhỏ, nhà trường đã phân loại từng đối tượng để có cách dạy phù hợp, đồng thời khuyến khích các cô giáo học tiếng dân tộc để dạy song ngữ cho trẻ. Mặt khác, trường cũng thường xuyên lồng ghép sử dụng tiếng Việt trong tổ chức các hoạt động văn hóa dân tộc, nghe kể chuyện dân gian, đọc thơ, ca dao…, trong đó tập trung vào việc luyện phát âm ngọng cho trẻ.
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Huổi Luông, xã biên giới Huổi Luông, huyện Phong Thổ có một điểm trường chính và 12 điểm trường lẻ với 35 lớp/885 học sinh, trong đó, 98% học sinh là người dân tộc thiểu số. Thầy giáo Đặng Công Sáu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Xác định tiếng Việt có vai trò quan trọng trong hoạt động dạy và học, thời gian qua nhà trường đã tăng số buổi học trong tuần ở tất cả các khối lớp để học sinh có nhiều cơ hội cũng như thời gian giao tiếp bằng tiếng phổ thông với thầy cô, bạn bè; tích hợp dạy tiếng Việt trong các môn học, hoạt động giáo dục ngoài giờ, tăng thời gian luyện nói cho học sinh.
Đối với các tổ, khối, nhà trường phân công tổ trưởng, tổ phó chuyên môn chịu trách nhiệm việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh tại khối lớp mình. Mỗi giáo viên có kế hoạch cụ thể về chương trình soạn giảng, giờ dạy học, đảm bảo nội dung tăng cường tiếng Việt cho học sinh. Hình thức dạy học theo hướng phân hóa các đối tượng, bám sát đối tượng, phù hợp và phát huy được tính tích cực của nhiều học sinh trong cùng một lớp được áp dụng. Ngoài ra, nhà trường khuyến khích giáo viên tự học tiếng dân tộc để phục vụ công tác giảng dạy.
Nhờ đó, năm học vừa qua, 100% học sinh trong trường biết giao tiếp bằng tiếng Việt, nhất là học sinh khối lớp 1 có khả năng nói tiếng Việt thành thạo.
Với những cách làm hiệu quả, năm 2020 Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Huổi Luông được Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số.
Thống kê của ngành chức năng, giai đoạn 2016-2020, Lai Châu có 100% trẻ mầm non, tiểu học ra lớp được tăng cường tiếng Việt theo từng độ tuổi; trẻ ra lớp được ăn ngủ bán trú tại trường và học 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục phổ thông. 100% cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học được bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, phục vụ hiệu quả công tác tăng cường tiếng Việt. Trẻ mẫu giáo từ 3-5 tuổi ra lớp đạt 99,2%, học sinh dân tộc thiểu số vào lớp 1 được học qua lớp mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,8%. Đa số học sinh tiểu học dân tộc thiểu số đã mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp, học tập, góp phần nâng cao tỷ lệ chuyên cần và chất lượng giáo dục trên địa bàn.