Quốc hội

ĐBQH băn khoăn về số kiến nghị cử tri được giải quyết chỉ đạt 4,3%

Việt Thắng 30/05/2024 09:42

ĐBQH băn khoăn tỷ lệ kiến nghị cử tri gửi tới kỳ họp thứ 6 được trả lời đạt 99,7%, số kiến nghị được giải quyết đạt 4,3%.

z5489786261400_d1f47005fda3bf723794842236fdada6.jpg
Ông Bùi Văn Cường báo cáo dự kiến chương trình tại phiên thảo luận (Ảnh: Quang Vinh)

Ngày 30/5, Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025. Báo cáo về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, năm 2025 là năm cuối của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, là năm các địa phương sẽ tiến hành tổ chức Đại hội đại biểu Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 và là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại khác của đất nước.

Đồng thời, năm 2025 cũng là năm cuối nhiệm kỳ, theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề trong cả nhiệm kỳ.

Căn cứ quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đặc điểm tình hình năm 2025 và đề xuất của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dự kiến nội dung Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025 như trong dự thảo Nghị quyết đã gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

Trong đó, đối với giám sát chuyên đề, sau khi cân nhắc nhiều mặt và theo thông lệ của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV, để tạo điều kiện cho các cơ quan tập trung triển khai các nhiệm vụ nêu trên và các nhiệm vụ lập pháp theo kế hoạch; đồng thời, để bảo đảm chất lượng, tính khả thi của chương trình giám sát năm 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định giám sát tối cao 1 chuyên đề tại Kỳ họp thứ 10 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát 1 chuyên đề tại Phiên họp tháng 8/2025.

Theo đó, trên cơ sở đề xuất của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp theo 10 nhóm theo lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Đồng thời căn cứ vào tiêu chí lựa chọn cũng như qua nghiên cứu kiến nghị của cử tri, điểm báo và qua rà soát các nội dung đã thực hiện, cân đối các lĩnh vực và từ tình hình thực tiễn, đã tiến hành lựa chọn các chuyên đề giám sát theo quy trình chặt chẽ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 2 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 1 chuyên đề để giám sát tối cao.

Cụ thể, Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành (dự kiến giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì tham mưu về nội dung).

Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao (dự kiến giao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì tham mưu về nội dung).

z5489787368421_d622da9b1ecbb6a08871b85d963b3b6a.jpg
Ông Phạm Đình Thanh phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

ĐB Phạm Đình Thanh (Đoàn Kon Tum) băn khoăn và đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội quan tâm giám sát kết quả việc trả lời kiến nghị cử tri. Qua báo cáo kết quả giám sát thấy tỷ lệ kiến nghị cử tri gửi tới kỳ họp thứ 6 được trả lời đạt 99,7%. Nhưng số kiến nghị được giải quyết đạt 4,3%. Nội dung trả lời kiến nghị của cử tri được tổng hợp báo cáo chủ yếu là đã được cơ quan Nhà nước giải trình, cung cấp thông tin.

Từ đó theo ông Thanh, số liệu này rất cần được giám sát và làm rõ. Nội dung kiến nghị nào cần giải trình cung cấp thông tin, nội dung kiến nghị nào thì cơ quan Nhà nước phải giải quyết, trả lời đúng theo thẩm quyền và trách nhiệm của mình.

Về chương trình giám sát năm 2025, ông Thanh lựa chọn Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành để thực hiện giám sát tối cao trong năm 2025.

Cũng chọn Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng, đây là vấn đề cần thiết phải giám sát tối cao. Bởi ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nóng và được đông đảo cử tri hết sức quan tâm. Tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước nói riêng đã được nhiều ĐBQH đề cập đến. Trên thực tế việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường đang có nhiều khó khăn. Đưa nội dung trên vào giám sát là đúng thời điểm và trúng vấn đề nóng.

Bà Nga đề nghị năm 2025 Quốc hội tiếp tục xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và giám sát chuyên đề để đánhg giá sự chuyển biến sau chất vấn và giám sát chuyên đề. Đây là hình thức tái giám sát hiệu quả cao và là cơ sở cho các ĐBQH đánh giá việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát, về chất vấn, và các lời hứa của các thành viên Chính phủ.

ĐB Lê Thanh Hoàn (Đoàn Thanh Hoá) cũng chọn Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ĐBQH băn khoăn về số kiến nghị cử tri được giải quyết chỉ đạt 4,3%