ĐBQH cho rằng: Thời gian vừa qua có một số vụ việc đặc biệt liên quan đến Quốc kỳ trên không gian mạng, Facebook, Youtube tắt tiếng khi phát Quốc ca gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Ngày 28/3 tại hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, các ĐBQH đã thảo luận một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Liên quan đến việc bổ sung quy định về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, ĐB Lê Minh Nam (đoàn Hậu Giang) nhất trí với đề xuất của chính phủ về quyền tác giả, quyền liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca và ý kiến thẩm tra của Thường trực Ủy ban pháp luật.
Ông Nam đưa ra phân tích: Về pháp lý và kinh nghiệm quốc tế, có thể thấy trong hệ thống pháp luật của chúng ta hiện nay đã có văn bản liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nhưng chủ yếu là quy định xử lý hành vi xâm phạm. Còn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ thì có thể áp dụng quy định chung. Tuy nhiên, Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là biểu tượng quốc gia, được quy định trong HIến pháp thì cần có quy định riêng, đối xử đặc biệt hơn. “Theo báo cáo của Chính phủ, thì nhiều nước có quy định riêng về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca”-ông Nam dẫn chứng.
Bên cạnh đó, ông Nam cũng lý giải rằng, xuất phát từ thực tiễn, thời gian vừa qua có một số vụ việc đặc biệt liên quan đến Quốc kỳ trên không gian mạng, Facebook, Youtube tắt tiếng khi phát Quốc ca gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến việc nhân dân tiếp cận Quốc ca, ảnh hưởng đến hình ảnh, cũng như thể diện quốc gia. Còn Quốc kỳ, thì trên cổng thông tin điện tử có đăng các bài viết về việc có trang bán hàng Amazon có đăng tải bán sản phẩm thảm chân in hình Quốc kỳ Việt Nam, thậm chí phần mô tả sản phẩm còn mô tả rất cụ thể về thảm dùng trong nhà, để cửa, ngoài trời, lót sàn. Việc xúc phạm như trên thì không thể chấp nhận được.
“Theo quy định của Bộ Luật hình sự thì có tội xâm phạm Quốc kỳ, Quốc ca. Do đó tôi thiết nghĩ những việc như trên cần có giải pháp khắc phục. Còn phân tích dưới góc độ bản quyền thì nếu chưa có quy định cụ thể về quyền tác giả và các quyền liên quan thì có thể xảy ra việc nhân danh sáng tạo nghệ thuật để có hành vi cản trở, ngăn chặn theo quy định của pháp luật với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca Việt Nam, hoặc xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca. Hoặc lợi dùng quyền tác giả, quyền liên quan để ngăn chặn, cản trở việc tiếp cận, phổ biến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca thông qua các đối tượng được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan”-ông Nam dẫn chứng và cho rằng: “Việc có thêm quy định về hành vi, chế tài, bản quyền có tính pháp lý quan trọng cần thiết nhằm bảo đảm vừa giữ gìn tính pháp lý, tính tôn nghiêm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, đáp ứng yêu cầu phổ biến trong nhân dân, hội nhập quốc tế, thực tiễn”.