ĐBQH đề nghị tăng lương ngay từ 1/1/2023

Mai Loan 28/10/2022 11:43

Ngày 28/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.

Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (trong đó có Kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý). ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng đề nghị Chính phủ quan tâm trả dứt điểm một số món nợ tồn đọng của nhiệm kỳ trước là vấn đề chuyển đổi cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng, giải quyết các dự án đầu tư thua lỗ, các ngân hàng yếu kém và các khoản nợ xấu đang để lại những gánh nặng về tài chính cực lớn cho nền kinh tế, cho ngân sách nhà nước.

Theo ông Nghĩa, cần xây dựng và hoàn thiện thể chế, cụ thể xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập; bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Sự trễ hẹn về đổi mới và hoàn thiện thể chế tạo ra lực cản, điểm nghẽn cho các mục tiêu phát triển”-ông Nghĩa nói và đề nghị có ngay nghị quyết cải cách tiền lương và thu nhập của cán bộ, công chức viên chức theo nguyên tắc lương, thu nhập phải đủ để người lao động tái sản xuất mở rộng sức lao động và chăm lo một phần cho gia đình.

“Xin lưu ý, mức sống tối thiểu ngày nay không chỉ là ngày ba bữa cơm, năm hai bộ quần áo như thời bao cấp. Trước mắt, để nguồn lực không bị quá tải, những đối tượng thu nhập thấp nhất, không đủ cho mức sống tối thiểu, cần được tăng lương ngay lập tức kể từ 1/1/2023. Đề nghị ưu tiên quan tâm đến hai ngành y tế, giáo dục và những người hưởng lương hưu hay trợ cấp thu nhập thấp. Cùng với đó là đẩy mạnh kiềm chế lạm phát cũng như nghiêm trị các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, lừa đảo, lũng đoạn thị trường. Cử tri mong muốn Chính phủ quan tâm kiểm soát nợ tư nhân trong và ngoài nước cho dù Chính phủ không bảo lãnh các khoản nợ này. Vừa qua nợ tư nhân phi tài chính có số lượng rất lớn, trong đó tỉ lệ không nhỏ là trái phiếu do các doanh nghiệp bất động sản phát hành. Nợ trái phiếu tăng nhanh, lãi suất cao, không có bảo lãnh và không công khai nên khó kiểm soát, có tính rủi ro cao, có nguy cơ tác động dây chuyền khi có biến động về thị trường hay năng lực thanh toán”-ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cũng kiến nghị tăng cường kỷ luật hành chính từ cấp bộ xuống cấp xã. Các bộ, ngành trung ương phải là cầu nối thông suốt giữa Thủ tướng với chính quyền các tỉnh, thành phố, là trợ thủ đắc lực cho các doanh nghiệp. Tuyệt đối không thể là các trạm gác quan liêu, vô cảm, thậm chí nhũng nhiễu.

ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng gần đây, xảy ra nhiều vụ việc thương tâm cho thấy nền tảng đạo đức, văn hóa, giáo dục của một bộ phận xã hội đang băng hoại, suy thoái. Việt Nam cần một nền giáo dục tôn sư trọng đạo, một nền văn hóa nhân văn sâu nặng tình người, một xã hội có đạo đức với nền tảng sống và làm việc tuân thủ pháp luật. Đề nghị các Bộ, ngành có giải pháp cho các vấn đề suy thoái đạo đức này.

“Về vấn đề còn những cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật, đại biểu bày tỏ tin tưởng tinh thần chống tham nhũng quyết liệt của Đảng, của Nhà nước, tuy nhiên, số lượng cán bộ công chức vi phạm vẫn là con số đáng buồn. Đề nghị cần nâng cao chất lượng công tác đào tạo, lựa chọn, tiếp tục đẩy mạnh công tác chống tham nhũng, tiêu cực. Cần chú ý hơn việc tự rèn luyện, đào tạo của cán bộ, cần nâng cao chất lượng và tính thực chất của việc giám sát từ nhân dân đối với các cán bộ, công chức”-ông Trí nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ĐBQH đề nghị tăng lương ngay từ 1/1/2023

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO