Chiều 25/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Đề cập đến quảng cáo trên báo in, ĐB Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, hiện nay do quảng cáo trên mạng nên thị phần quảng cáo trên báo in giảm mạnh. Do đó, việc điều chỉnh diện tích trên báo in là chưa giải quyết căn bản khó khăn cho các cơ quan báo chí trong thực hiện tự chủ tài chính.
Từ đó ông Hoà đề nghị, cần lược bỏ các quy định giới hạn về tỷ lệ diện tích quảng cáo trên báo, tạp chí truyền thống để cơ quan báo chí tự quyết định diện tích quảng cáo theo yêu cầu của bạn đọc và thị trường.
Theo ông Hoà, báo chí là đơn vị sự nghiệp có thu, quảng cáo trên báo in nhiều hay ít, rộng hay hẹp là quyền của họ. “Bắt buộc họ thu hẹp là không được, chỉ cấm quảng cáo trên báo in không được to, lớn hơn, che lấn hình ảnh, hoạt động của lãnh đạo Đảng, nhà nước. Chứ không nên bó hẹp quảng cáo của báo in”, ông Hoà nói.
Theo ĐB Trần Thị Thanh Hương (Đoàn An Giang), trước xu thế phát triển của quảng cáo trên mạng thì việc tăng diện tích, tăng thời lượng quảng cáo cho báo chí là một trong những yếu tố quan trọng và rất cần thiết, phần nào góp phần cho các cơ quan báo chí tăng nguồn thu, giải quyết khó khăn trong việc thực hiện tự chủ tài chính.
“Do đó đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động để việc quy định tăng diện tích, thời lượng quảng cáo có tỷ lệ thực sự phù hợp và thuyết phục hơn. Bên cạnh đó, cần có những quy định ràng buộc về tỷ lệ diện tích, vị trí quảng cáo đối với từng loại hình báo chí khác nhau”, bà Hương kiến nghị.
Về quảng cáo trên báo in, báo hình, ĐB Nguyễn Thị Thu Thủy (Đoàn Bình Định) đề nghị, ban soạn thảo rà soát các Luật liên quan trong quản lý, xử lý, các giải pháp cụ thể nhằm quản lý, gỡ bỏ thông tin xấu độc, đặc biệt các chính sách, giải pháp đảm bảo hoạt động cho báo chí, truyền hình thực hiện chính nhiệm vụ chính trị là kênh chính thống, uy tín, qua đó thu hút khách hàng là độc giả, doanh nghiệp chủ động tìm đến bên cạnh giải pháp tăng tỷ lệ quảng cáo trên báo giấy khi chúng ta chưa khai thác hết dung lượng quảng cáo đã đề ra.
Liên quan đến diện tích quảng cáo trên báo in, ĐB Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn Phú Yên) nêu quan điểm, việc nới diện tích quảng cáo trên báo in sẽ giúp cho các cơ quan báo chí thực hiện tốt hơn cơ chế tự chủ tài chính và tốt hơn trong hoạt động của mình. Tuy nhiên, thực tế hiện nay các cơ quan báo chí gặp khó khăn không phải vì thiếu diện tích quảng cáo trên báo in mà khó nhất là thiếu quảng cáo.
Từ đó ông Nghĩa đề xuất, nên giao cho các cơ quan báo chí được quyền tự chủ diện tích quảng cáo. “Nên để báo, tạp chí quyết định diện tích quảng cáo trên báo in, trừ các cơ quan báo chí đặc thù, sử dụng ngân sách nhà nước, được đặt hàng, bao tiêu sản phẩm. “Luật nên giao cho Chính phủ quy định, tức là báo do ngân sách đảm bảo thì chính phủ quy định chi tiết. Còn lại nên mở ra, phóng khoáng cho cơ quan báo chí chứ không nên “quản”, việc cởi mở là đúng với điều kiện kinh tế thị trường hiện nay”, ông Nghĩa nói.
Giải trình tại phiên họp về quảng cáo trên báo chí, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao, và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, đối với quảng cáo trên báo chí, Bộ sẽ làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông, và các cơ quan báo chí lớn để lắng nghe, tiếp thu ý kiến thảo luận của ĐBQH, và cố gắng đảm bảo lợi ích của các cơ quan báo chí nhưng đồng thời không ảnh hưởng đến lợi ích của người sử dụng. "Có ý kiến gợi ý nên chuyển cho cơ quan báo chí tự chủ động, tự làm là ý kiến đáng được để xem xét trong khi chúng ta đang thực hiện nền kinh tế thị trường"-ông Hùng nói và cho biết, sắp tới đây Đảng, Nhà nước đang làm cuộc cách mạng về tổ chức, trong đó có sắp xếp lại các cơ quan báo chí nên chắc chắn sẽ tính toán để làm sao đó cho đảm bảo.