Sáng nay 4/11, ĐB Đặng Thị Phương Thảo (đoàn Nam Định) đã có phát biểu tranh luận lại với ĐB Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) về phát biểu tranh luận của ĐB Phương trong phiên thảo luận chiều qua.
Trước đó trong chiều 3/11, bà Thảo cho rằng: Một bộ sách giáo khoa khi chỉnh sửa là việc làm có phạm vi lớn, không còn là nội bộ trong ngành giáo dục, đối tượng chịu tác động rất rộng, từng học sinh, phụ huynh, tới nhà trường và kéo theo sự vào cuộc của nhiều cơ quan. Để khắc phục, dự kiến sẽ tốn kém về tiền của, gây ảnh hưởng đến việc sử dụng tài sản, cá nhân, tổ chức, tới tài sản của nhà nước.
“Vì vậy, để tránh làm bức xúc trong nhân dân, cần có sự vào cuộc của cơ quan điều tra. Bên cạnh đó, cũng cần đẩy nhanh tiến độ điều tra, đưa ra xét xử truy cứu trách nhiệm đối với các hành vi in ấn trái phép, làm giả sách giáo khoa, sách tham khảo để đảm bảo công bằng về quyền tác giả, quyền xuất bản của từng bộ sách” - bà Thảo nói.
Tranh luận lại, ĐB Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) cho rằng, sách giáo khoa mới chỉ áp dụng được trong một thời gian ngắn và những sai sót này chỉ ở dạng chưa phù hợp, hoàn toàn có thể chỉnh sửa được trong thời gian tới.
Theo ông Phương, sự việc chưa nghiêm trọng đến mức phải truy tố, hình sự hóa như đại biểu nêu.
Từ quan điểm của ông Phương, trong trong sáng 4/11, bà Thảo đã tranh luận lại và cho rằng: Sách giáo khoa lớp 1 với các vấn đề liên quan, thực tế cử tri biết. Cử tri đã phản ánh với đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định. Là ĐBQH chúng ta phải làm tròn trách nhiệm với nhân dân. Phát biểu đó từ sự phản ánh trung thực, kiến nghị của cử tri địa phương không phải của cá nhân.
`Về sai phạm phải chuyển cơ quan điều tra, bà Thảo cho rằng, thực chất là kiến nghị cần đẩy nhanh tiến độ điều tra để truy cứu đối với các hành vi in ấn trái phép làm giả sách giáo khoa, sách tham khảo để đảm bảo quyền tác giả, quyền xuất bản.
“Tôi là người có đủ hành vi năng lực dân sự. Tôi phát ngôn và tôi chịu trách nhiệm về lời nói của mình trước cử tri. Vì ý kiến từ thực tế nên không có chuyện cử tri hoài nghi, hoang mang trước ý kiến của tôi, có chăng tôi phải xin lỗi cử tri vì còn nhiều kiến nghị nữa của họ tôi chưa thể chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền, chưa thể theo đuổi đến cùng vấn đề như khi ưng cử tôi hứa với cử tri.
Về đề xuất cơ quan điều tra vào cuộc để xác minh, cử tri tỉnh này có thể không phản ánh như vậy nhưng cử tri nơi khác lại bức xúc và đề xuất. Tôi nghĩ đó là góc nhìn của mỗi cá nhân cử tri và đại biểu. Điều tra xác minh sai phạm cũng có thể trả lại sự trong sạch của cá nhân, tổ chức. Trước Quốc hội, ĐBQH nào phát biểu ra sao, nội dung thế nào cử tri đều giám sát, muốn phán xét một ĐB cần sự phản hồi từ trong dân, từ lòng dân, từ ý dân chứ không phải từ cái nhìn phiến diện từ một cá nhân nào” - bà Thảo nói.
Ngay sau khi bà Thảo tranh luận, bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo đã bấm nút tranh luận và bày tỏ chia sẻ những lo toan, trăn trở của cử tri và các đại biểu.
Bà Minh thừa nhận, sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 có sạn. Những lo toan đó hoàn toàn chính đáng. Và việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông là vấn đề lớn và rất khó.
Bà Minh cho biết, Bộ và Hội đồng thẩm định đã tiếp thu ý kiến cử tri, giải trình trước Quốc hội. Việc đổi mới này đang phải chuyển hướng rất mạnh từ truyền thụ kiến thức một chiều cho học sinh sang phát triển năng lực, phẩm chất người học.
“Sách giáo khoa là tài liệu và mỗi môn học có nhiều sách giáo khoa. Việc dạy theo chủ đề sẽ giúp học sinh có nhiều cách nhìn nhận, cách tiếp cận bởi trình độ các em khác nhau. Thời gian qua do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 nên việc bồi dưỡng giáo viên, học sinh theo chương trình mới là áp lực rất lớn. Vì vậy mong đại biểu, cử tri hiểu và có sự đồng thuận” - bà Minh cho hay.