Xã hội

ĐBSCL: Công nghiệp hoá – Hiện đại hoá, động lực cho phát triển bền vững

Tuệ Yên 29/11/2024 16:54

Ngày 29/11, UBND TP Cần Thơ với Trường Đại học Cần Thơ đồng tổ chức Diễn đàn Quốc tế Phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tầm nhìn 20245 - SDMD 2045 lần II năm 2024 với chủ đề “Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá - Động lực cho phát triển bền vững vùng ĐBSCL”.

Với mục đích kết nối các bên liên quan trong nước và quốc tế nhằm cung cấp chia sẻ thông tin và đề xuất các giải pháp phát triển các lĩnh vực trọng yếu của ĐBSCL, góp phần hỗ trợ xây dựng các chủ trương, chiến lược, chính sách phát triển bền vững ĐBSCL tầm nhìn đến năm 2045, đặc biệt về Công nghiệp hoá – Hiện đại hoá trong bối cảnh mới.

Tổng quan
Toàn cảnh Diễn đàn

Tại đây, các đại biểu đã được các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học và các thầy cô đến từ các tổ chức nghiên cứu - giáo dục, các viện, trường đại học chia sẻ những sáng kiến, kinh nghiệm và giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện, bền vững cho vùng đất ĐBSCL thông qua các báo cáo tham luận gồm, Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá ĐBSCL: Định hướng phát triển, hiện trạng và khuyến nghị, góc nhìn quốc tế, góc nhìn của doanh nghiệp; Thúc đẩy Công nghiệp hoá – Hiện đại hoá TP Cần Thơ tạo động lực cho phát triển vùng ĐBSCL; Phát triển Công nghiệp hoá – Hiện đại hoá và các trung tâm Logistics ĐBSCL.

Trong khuôn khổ Diễn đàn còn có 2 sự kiện chính: Tọa đàm bàn tròn cùng chuyên gia kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển về công nghiệp hóa - hiện đại hóa các lĩnh vực: Kinh nghiệm phát triển nông nghiệp hiện đại từ Úc, phát triển cơ giới hóa nông nghiệp từ Nhật bản, Phát triển ngành công nghiệp mới nổi AI, kinh nghiệm từ Đài Loan, Phát triển đô thị thông minh từ Singapore; Phát triển chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ và xuất khẩu lúa gạo ở ĐBSCL và kinh nghiệm phát triển logistics Việt Nam. Đồng thời tham quan các mô hình kinh tế, dự án hiệu quả về Khu công nghiệp, Vườn ươm công nghệ khởi nghiệp sáng tạo, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao và năng lượng tái tạo tại TP Cần Thơ và tỉnh Trà Vinh.

Nhiếu sáng kiến, kinh nghiệm, giải pháp được chia sẻ tại diễn đàn
Nhiều sáng kiến, kinh nghiệm, giải pháp được các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức chia sẻ tại diễn đàn.

Cũng trong khuôn khổ SDMD, ban tổ chức cũng đã xây dựng và triển khai hơn 20 dự án hợp tác quốc tế quy mô lớn, thực hiện tại các địa phương. Kết nối, ký kết hợp tác với hơn 20 đơn vị, thành viên và đối tác đồng hành là cơ quan - viện, trường - doanh nghiệp trong nước và quốc tế thông qua diễn đàn và các tọa đàm.

Thông tin tại diễn đàn cho biết, trong giai đoạn 2022-2024, Diễn đàn SDMD đã có nhiều thành tựu nổi bật, như: Tổ chức diễn đàn quốc tế “Khoa học và công nghệ: Động lực cho phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long”; tổ chức 10 tọa đàm trực tuyến hằng quý về các chủ đề: nông nghiệp, thủy sản, môi trường và biến đổi khí hậu, chuyển đổi số...

ĐBSCL được biết đến là vùng đất giàu tiềm năng phát triển, có vai trò và vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu sản phẩm, hàng hoá nông nghiệp của cả nước. Quán triệt Nghị quyết của Đảng, vùng đã nỗ lực tiến hành Công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong suốt nhiều năm qua và đã đạt được những thành tựu nhất định, góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của vùng theo chiều hướng tích cực.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, ĐBSCL phải đối mặt với nhiều thách thức lớn bởi sự tác động của biến đổi khí hậu, cùng với những biến động trong nền kinh tế toàn cầu. Để vượt qua những thách thức, ngoài thực hiện đồng bộ, hiệu quả chính sách, cần đẩy mạnh sự liên kết giữa các cấp chính quyền, doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu - giáo dục và cộng đồng trong việc triển khai các giải pháp cụ thể. Khi có sự kết hợp chặt chẽ giữa công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển bền vững, ĐBSCL mới có thể phát huy tối đa tiềm năng của mình, tạo ra động lực cho sự thịnh vượng, ổn định và an ninh lương thực lâu dài cho đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ĐBSCL: Công nghiệp hoá – Hiện đại hoá, động lực cho phát triển bền vững