Lần đầu tiên, tỉnh Thanh Hóa tiến hành một cuộc khảo sát về chỉ số cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thị, thành phố trong việc giải quyết các thủ tục phục vụ cho doanh nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế. Qua đó, nhiều đơn vị đã bộc lộ những mặt hạn chế, những mảng tối bong ra và cần phải xử lý nhằm hướng đến mục tiêu phục vụ tốt nhất cho hoạt động của doanh nghiệp.
‘Sức nóng’ của bảng xếp hạng
Ngày 11/5/2022, Thanh Hóa lần đầu công bố bộ Chỉ số DDCI, năm 2021. Mặc dù mới triển khai ở năm đầu tiên, nhưng kết quả xếp hạng DDCI đã bắt đầu tạo “sức nóng” để mỗi sở, ngành, địa phương nhìn nhận lại chất lượng điều hành của đơn vị mình.
Theo bảng xếp hạng (BXH), có sự chênh lệch khá cao về điểm số giữa nhóm top đầu và top cuối. Về khối các sở, ban, ngành cấp tỉnh, đơn vị dẫn đầu là Sở Công Thương với số điểm 78,66, tiếp sau đó là: Cục Hải quan tỉnh với số điểm 77,78; Sở Tư pháp với 74,62 điểm; Văn phòng UBND tỉnh với 73,68 điểm và Thanh tra tỉnh với 71,01 điểm. Trong khi đó, các đơn vị top cuối chỉ đạt dưới 50 điểm, như: Sở Y tế (48,82 điểm); Sở Ngoại vụ (42,32 điểm)...
Còn tại BXH DDCI cấp địa phương ghi nhận điểm trung vị là 63,56 điểm. Trong đó, 7 huyện thuộc top đầu với số điểm khá cao, điển hình như: Huyện Thọ Xuân đạt 87,55 điểm; huyện Nông Cống đạt 82,41 điểm, huyện Nga Sơn đạt 73,11 điểm... Tuy nhiên, cách số điểm khá xa, các địa phương ở top cuối như huyện Quảng Xương đạt 48,37 điểm, huyện Vĩnh Lộc đạt 43,86 điểm. Mức độ chênh lệch điểm giữa địa phương đứng đầu (huyện Thọ Xuân) và đứng cuối là tương đối lớn.
Thời điểm bảng xếp hạng được công bố, ngay tại hội trường, nhiều lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã tỏ ra bất ngờ và không vui. Tuy nhiên, đại diện VCCI Thanh Hóa - cơ quan chủ trì đề án đã thẳng thắn cho biết, khi xếp hạng, thì sẽ có những đơn vị đứng ở top đầu và top cuối.
Ông Đỗ Đình Hiệu, Chủ tịch VCCI Thanh Hóa cho biết: “Giá trị và sản phẩm quan trọng nhất của DDCI là những bài học kinh nghiệm, những dư địa cải cách được phát hiện và những khoảng cách cần được thu hẹp giữa nỗ lực của chính quyền và kỳ vọng của DN”.
Đại diện cho cộng đồng DN tỉnh Thanh Hóa, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh khẳng định: Kết quả DDCI là một trong những công cụ hữu hiệu để đưa ra bức tranh chung về môi trường đầu tư, kinh doanh. Điều đó khiến DN kỳ vọng nhiều hơn vào những cải thiện chính sách sau này. Với một phong trào thi đua sôi nổi, đây sẽ là một bước ngoặt mang tính đột phá trong công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khẳng định quyết tâm của tỉnh Thanh Hóa không ngừng nâng cao chất lượng điều hành kinh tế một cách toàn diện, đáp ứng đầy đủ nhu cầu chính đáng của DN, nhà đầu tư.
Top cuối họp khẩn, bàn giải pháp nâng điểm DDCI
Theo bảng xếp hạng DDCI năm 2021, huyện Vĩnh Lộc đạt 43,86 điểm, xếp thứ 26/27 tại khối các huyện, thị, thành phố, xếp sau cả những huyện miền núi có điều kiện khó khăn hơn như Mường Lát, Quan Sơn… Đây là vị trí áp chót, chẳng ai muốn ‘ngồi’ ở vị trí này trong những năm tiếp theo cả.
Vì vậy, chỉ sau gần 2 tháng khi BXH được công bố, UBND huyện Vĩnh Lộc đã phối hợp với VCCI Thanh Hóa tổ chức hội nghị nghiên cứu giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số DDCI trên địa bàn huyện giai đoạn 2022-2025.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá kết quả DDCI của huyện trong năm 2021, các chuyên gia VCCI nhận định, trong thời gian tới, huyện này nên tập trung nâng cao hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo tính minh bạch trong quy hoạch, rút ngắn thời gian thủ tục hành chính...
Xếp ngay dưới huyện Vĩnh Lộc là huyện Bá Thước, đây là địa phương chỉ đạt 35,44 điểm, xếp cuối cùng trong bảng xếp hạng 27/27 huyện, thị, thành phố trong tỉnh.
Nhằm tìm ra nguyên nhân và đưa ra những giải pháp để cải thiện bộ chỉ số DDCI, trong ngày 15/6, UBND huyện này đã phối hợp với VCCI Thanh Hóa tổ chức hội nghị nghiên cứu giải pháp cải cách để tăng điểm DDCI trong năm 2022.
Theo VCCI Thanh Hóa, chỉ số DDCI của huyện còn thấp là do số lượng dịch vụ công trực tuyến chưa nhiều; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; thu hút đầu tư, nhất là các dự án quy mô lớn, công nghệ cao còn hạn chế…
Sau khi tiến hành trao đổi và thảo luận, các phòng, ban của huyện đã thống nhất lập ra kế hoạch nâng cao chỉ số DDCI giai đoạn 2022-2025.
Là địa phương đứng đầu BXH DDCI cấp huyện, thị, thành phố nhưng huyện Thọ Xuân không hề tỏ ra tự mãn hay ngủ quên trên chiến thắng. Vừa qua, huyện này đã tổ chức hội nghị trực tuyến để nhằm nâng cao số điểm DDCI năm 2022 với mục tiêu duy trì vị trí số 1 trong khối UBND cấp huyện.
Ông Hoàng Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân chia sẻ: Ngay ở lần đánh giá đầu tiên, huyện đã được xếp hạng cao nhất khối địa phương. Đây là niềm vinh dự, tự hào đối với các cấp lãnh đạo, cán bộ, công chức địa phương. Đồng thời, cũng tạo áp lực và trách nhiệm nặng nề trong việc nỗ lực thực hiện cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho xứng đáng với sự đánh giá, niềm tin của người dân và DN.
Để giữ vững vị trí top đầu, cùng với kế hoạch cải thiện các chỉ số thành phần đã được triển khai xuống tận các xã, thị trấn, huyện Thọ Xuân sẽ tiếp tục tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng CCHC theo phương châm “4 tăng, 2 giảm, 3 không”; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng các mô hình, sáng kiến về CCHC trên địa bàn huyện.
Đồng thời, thường xuyên theo dõi, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, HTX tổ chức sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, công khai minh bạch các quy hoạch, các chương trình, đề án, cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội của địa phương.