Khi các hoạt động an sinh xã hội gắn với sự kiện lịch sử và từng địa phương khó khăn cụ thể sẽ tạo được nhiều kết quả thiết thực, có tính hiệu quả cao. Đó không chỉ là mục tiêu mà Đề án “Vận động hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)” (Đề án) do Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam thực hiện hướng đến, mà còn tiến thêm một bước trong đổi mới phương thức, cách làm, tạo ra nhiều kỳ vọng trong công tác chăm lo cho người nghèo.
Chăm lo cho người nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận. Nhiều năm qua, MTTQ Việt Nam đã khởi xướng và chủ trì phối hợp nhiều cuộc vận động, nhiều phong trào rộng lớn và lâu dài mang tính toàn dân, toàn quốc, trong đó nổi bật là cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” được phát động vào ngày 17/10/2000. Theo đó, những quy định về vận động, quản lý và sử dụng Quỹ “Vì người nghèo” cũng được ban hành.
Vì người nghèo đã trở thành một trong những cuộc vận động lớn trong thời kỳ đổi mới công tác Mặt trận, có đóng góp to lớn và trở thành điểm sáng trong phong trào thi đua yêu nước nói chung và có tác dụng rõ rệt vào việc nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn mới.
Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội. Bởi vậy, 23 năm qua, hành trình vì người nghèo đã theo bước chân của người Mặt trận tìm đến những bản làng xa xôi, vùng nghèo khó, vùng bị thiên tai để san sẻ với người nghèo, người khó khăn, yếu thế, dựng lên những ngôi nhà và thắp lên những hy vọng. Nhưng điều đáng nói hơn cả, tinh thần “Cả nước vì người nghèo” đã bước ra từ cuộc vận động của Mặt trận để lan tỏa, khơi dậy tình yêu thương, sự sẻ chia cộng đồng, tạo nên những phong trào vì người nghèo ở trong lòng nhân dân. Đó chính là động lực để giúp người nghèo vươn lên, vượt qua những gian khó.
Tuy nhiên, hiện nay, do ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, hệ luỵ từ đại dịch Covid-19 khiến bao gia đình nghèo rơi vào cảnh kiệt quệ. Có rất nhiều người vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn, nhiều hộ thoát nghèo rồi nay có thể tái nghèo, nhất là ở những vùng khó.
Tỉnh Điện Biên không phải ngoại lệ. Thời gian qua, mặc dù Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành đã dành sự quan tâm đặc biệt, ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xóa đói, giảm nghèo nhưng điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh hiện cao thứ 3 trong cả nước, có 54.947 hộ, chiếm 39,98% (trong đó hộ nghèo 41.706 hộ, chiếm 30,35%; hộ cận nghèo 13.241 hộ, chiếm 9,63%). Theo số liệu rà soát mới nhất của UBND tỉnh Điện Biên, trên địa bàn có 7.447 hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo đang ở nhà tạm, nhà dột nát, hư hỏng có nhu cầu hỗ trợ làm mới và sửa chữa, trong đó số hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu hỗ trợ làm mới là 5.479 hộ…
Trăn trở với những mong mỏi này, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã quyết định vận động hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho người nghèo trong toàn tỉnh Điện Biên bằng một Đề án: Vận động hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
Trên thực tế, việc vận động hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho người nghèo là công việc thường xuyên, liên tục trong hàng chục năm qua của đội ngũ cán bộ Mặt trận trên cả nước, nhưng vận động hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho người nghèo với quy mô lớn, tập trung tại một địa bàn và được cụ thể hóa trong một Đề án, thì đây là việc hoàn toàn mới.
Theo ông Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, hướng đến Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, bên cạnh những hoạt động ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng, tri ân công lao các anh hùng liệt sĩ, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tỉnh Điện Biên, một việc làm cụ thể khác là vận động hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giúp người nghèo, người yếu thế được hưởng lợi chắc chắn sẽ nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân cả nước.
Đề án được triển khai trước hết nhằm thiết thực chào mừng Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), thể hiện sự quan tâm, sự tri ân của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và nhân dân cả nước đối với đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên đã đóng góp, chiến đấu hy sinh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Đề án được thực hiện thành công sẽ là một “công trình” vô cùng ý nghĩa để chào mừng Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X (nhiệm kỳ 2024-2029). Nhưng đồng thời, điều quan trọng là việc triển khai kịp thời, có hiệu quả của Đề án sẽ tạo động lực để các hộ nghèo của tỉnh Điện Biên vươn lên thoát nghèo bền vững. Việc thực hiện thành công Đề án cũng sẽ góp phần tuyên truyền, giáo dục, khơi dậy tinh thần đại đoàn kết toàn dân, nâng cao ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân nhằm quan tâm chăm lo cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số, căn cứ cách mạng có nhiều đóng góp, hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Mặt khác, kết quả triển khai Đề án sẽ là cơ sở để Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam rút kinh nghiệm triển khai các chương trình vận động cho các khu vực, địa bàn tiếp theo trong cả nước.
Đề án đặt ra mục tiêu phấn đấu trong 1 năm (từ 7/5/2023 đến 7/5/2024) tập trung vận động các nguồn lực của xã hội để làm mới 7.000 đến 8.000 nhà Đại đoàn kết (trị giá hỗ trợ là 50.000.000 đồng/nhà). Trong đó hỗ trợ tỉnh Điện Biên là 5.000 nhà, số còn lại hỗ trợ các địa phương khác trên địa bàn Tây Bắc. Tổng kinh phí vận động dự kiến là 350 đến 400 tỷ đồng. Đề án cũng nêu rõ cần bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam với các cơ quan Trung ương, tỉnh Điện Biên và các địa phương khác trong việc vận động, tiếp nhận, quản lý, phân bổ, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ làm nhà theo đúng quy định của pháp luật; hỗ trợ đúng đối tượng, khách quan, công bằng, minh bạch.
Trên tinh thần này, Đề án đưa ra một cam kết chính trị nhằm đảm bảo các hộ nghèo trong toàn tỉnh Điện Biên sẽ có nhà ở an toàn, ổn định, nâng cao mức sống, thoát nghèo bền vững, từ đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước giai đoạn 2021-2025.
Với ý nghĩa của việc vận động hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Điện Biên, với cách làm bài bản, có chủ trương, tổ chức thực hiện từ Trung ương tới địa phương, cùng với quyết tâm chính trị cao, sự đồng lòng của những người có trách nhiệm, chắc chắn đây sẽ là một Đề án hợp lòng dân. Việc thực hiện thành công Đề án còn tiến thêm một bước trong quá trình đổi mới phương thức, cách làm, tạo ra nhiều kỳ vọng trong công tác chăm lo cho người nghèo của MTTQ Việt Nam.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến tin tưởng rằng, thời gian tới, các hoạt động an sinh xã hội được triển khai gắn với sự kiện lịch sử và từng địa phương khó khăn cụ thể sẽ tạo được những kết quả thiết thực và có tính hiệu quả cao, giúp người nghèo, người yếu thế được ăn no, mặc ấm, ổn định về nhà ở, an cư lạc nghiệp, vươn lên trong cuộc sống.
Nguyên tắc và thứ tự ưu tiên hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết
Đề án nêu rõ, trong trường hợp nguồn kinh phí vận động chưa đáp ứng yêu cầu hỗ trợ đến các hộ gia đình trên một khu vực, địa bàn thì thứ tự ưu tiên hỗ trợ áp dụng theo Điều 5, Thông tư số 01/2022/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, cụ thể: Ưu tiên hỗ trợ trước cho các đối tượng theo thứ tự sau đây: (1) Hộ nghèo dân tộc thiểu số; (2) Hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng; (3) Hộ nghèo, hộ cận nghèo có thành viên thuộc đối tượng bảo trợ xã hội; (4) Hộ nghèo, hộ cận nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật); (5) Hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc vùng thường xuyên xảy ra thiên tai; (6) Các hộ nghèo, hộ cận nghèo còn lại.
Đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo có cùng mức độ ưu tiên, việc hỗ trợ được thực hiện theo thứ tự sau: (1) Hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà ở hư hỏng, dột nát (làm bằng các vật liệu nhanh hỏng, chất lượng thấp) có nguy cơ sập đổ, không đảm bảo an toàn; (2) Hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có nhà ở (là hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có nhà ở riêng, hiện đang ở cùng bố mẹ nhưng đã tách hộ, ở nhờ nhà của người khác, thuê nhà ở - trừ trường hợp được thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước); (3) Hộ nghèo, hộ cận nghèo có đông nhân khẩu.