Vẫn còn đó những ý kiến băn khoăn rằng cuộc sống hiện đại đã có nhiều thay đổi, liệu đề án đưa Truyện Kiều vào sinh hoạt dân ca có thực sự khả thi.
Trong thời gian tới, lời bài hát trong các làn điệu Chèo
sẽ được chuyển thể từ nội dung Truyện Kiều.
Nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, Bộ VHTT&DL vừa ban hành Đề án tuyên truyền, quảng bá “Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du”.
Theo đó, trong thời gian tới nội dung Truyện Kiều sẽ được đặt lời hát dựa trên trên các làn điệu dân ca, các hoạt động diễn xướng dân gian và các trò diễn múa rối cổ truyền…
Kỳ vọng gắn kết Truyện Kiều với di sản phi vật thể
Cụ thể, các tác phẩm được tổ chức chuyển thể từ Truyện Kiều sẽ bao gồm những loại hình nghệ thuật đặc sắc và loại hình nghệ thuật đã được UNESCO công nhận là di sản vật thể và di sản phi vật thể của nhân loại như: Nghệ thuật Chèo, Cải lương, Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, Dân ca Quan họ, Dân ca Bài chòi, Ca trù, hát Văn, Hát xẩm, Ca Huế, Đờn ca tài tử Nam Bộ.
Đây là lần đầu tiên kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du được tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức thể hiện với những góc nhìn mới qua việc sử dụng một cách đa dạng hoá việc hiểu tác phẩm cũng như phương thức lưu truyền, quảng bá di sản của Nguyễn Du trong thời kỳ đổi mới.
Theo Đề án nói trên, Bộ VHTT&DL cũng đã đặt hàng riêng với từng đơn vị nghệ thuật biểu diễn.
Trong đó, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Chèo Hà Nội, mỗi đơn vị chuyển soạn, đặt lời 10 bài hát dựa trên các làn điệu Chèo.
Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, mỗi đơn vị chuyển soạn, đặt lời 10 bài hát dựa trên những làn điệu bài bản cố định, phù hợp với tâm trạng, tính cách từng nhân vật.
Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh chuyển soạn, đặt lời 10 bài hát dựa trên các loại giọng trong dân ca quan họ vói các hình thức biêu diễn khác nhau.
Nhà hát dân ca Nghệ An, Nhà hát Ca, Múa, Kịch Hà Tĩnh, mỗi đơn vị chuyển soạn, đặt lời 10 bài hát dựa trên các làn điệu Dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh với các hình thức diễn xướng văn hóa dân gian.
Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long chuyển soạn 5 bài dựa trên các bản ca trù.
CLB Bảo tồn Nghệ thuật Chầu Văn Việt Nam - trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam chuyển soạn 5 bài hát loại hình Nghệ thuật Chầu Văn (loại hình nghệ thuật diễn xướng tâm linh của người Việt).
Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế chuyển soạn, đặt lời 10 bài hát dựa trên hệ thống bài bản phong phú của ca Huế.
Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định, chuyển soạn, đặt lời 10 bài hát dựa trên các làn điệu thuộc loại hình nghệ thuật sân khấu ca kịch Bài chòi, hát.
Nhà hát Chèo Ninh Bình chuyển soạn, đặt lời 10 bài hát thuộc loại hình nghệ thuật hát xẩm dựa trên các làn điệu dân ca của vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Nhà hát múa Rối Việt Nam 1 trích đoạn thuộc loại hình nghệ thuật rối cạn thế hiện các nhân vật dựa trên nội dung của Truyện Kiều có độ dài từ 20 - 30 phút.
Tổ chức biên tập, ghi âm, ghi hình, tổng hợp thành 1 bộ DVD từ 3 đến 5 đĩa có độ dài từ 90 đến 105 phút/1 DVD, gồm những tiết mục thuộc các loại hình nghệ thuật truyền thống, dân gian đặc sắc có nội dung từ tác phẩm Truyện Kiều.
Theo kế hoạch, sau khi nghiệm thu đề án, các chương trình biểu diễn nghệ thuật từ Truyện Kiều sẽ được tổ chức quảng bá, giới thiệu tác phẩm phục vụ nhân dân.
Cụ thể sẽ có 2 chương trình qui mô tại quảng trường Khu Di tích Đại thi hào Nguyễn Du (Hà Tĩnh) và Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (Hà Nội); 8 chương trình nghệ thuật biểu diễn trong nhà hát dự kiến tổ chức tại các tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Ninh Bình, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Cần Thơ, TP HCM…
Thời gian thực hiện đề án bắt đầu từ tháng 12/2015 tới hết tháng 12/2016. Kinh phí thực Đề án tuyên truyền là từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp cho Cục Nghệ thuật biểu diễn, được Bộ VHTT&DL phê duyệt.
Tính toán không kỹ, e sẽ viển vông
Việc triển khai thực hiện đề án đang được kỳ vọng sẽ góp phần tạo ra các tác phẩm, các giá trị văn hóa mới làm giàu thêm di sản văn hóa của dân tộc, đồng thời cũng tạo thêm nhiều cơ hội để quảng bá với thế giới về nét đặc sắc và giá trị của di sản văn hóa Việt Nam. Giúp cho người dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế thêm hiểu và yêu quý, trân trọng kiệt tác Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, đề án này rất hay. Bởi lâu nay những lời thơ trong truyện Kiều đã đi vào đời sống, tâm thức của người dân thành những tiếng ca, lời ru trong dân gian rồi. Thậm chí, hiện còn có cả một hình thức gọi là “Lẩy Kiều” rất phổ biến. Bản thân thể loại thơ lục bát trong Truyện Kiều vốn rất giàu tính nhạc, nên việc triển khai theo nôi dung đề án nói trên càng thuận lợi.
Tuy nhiên, cũng giống như nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác, cái khó khi triển khai đề án là làm sao lan tỏa được tới các bạn trẻ. Tóm lại, đề án nghe thì hay, nhưng cuối cùng vẫn phải xem cách làm của anh ra sao. Đó mới là điều quan trọng.
Còn theo PGS Đặng Hoành Loan, việc xây dựng và triển khai đề án là rất tốt và rất ý nghĩa. Truyện Kiều là câu chuyện có thể chuyển thể thành nhiều thể loại, từ phim, dân ca, hát ru…
Kiều là thơ lục bát, nguyên câu thơ của Truyện Kiều lâu nay đã được sử dụng trong đời sống hằng ngày. Nhưng từ thực tế cho thấy, để thực hiện thành công còn nhiều việc cần phải làm.
Ở đó có một bất cập là không phải người trẻ nào cũng yêu thích. Việc đưa vào sinh hoạt dân ca rất khó, vì cuộc sống hiện tại đã có nhiều biến đổi, không còn không gian văn hóa, không gian sinh hoạt tập thể gần gũi như ngày xưa nữa. Do đó, đơn vị chủ trì phải có kế hoạch chi tiết. Trước mắt cần phải xây dựng đề án một cách cụ thể, tích cực. Nếu không đó chỉ là những suy nghĩ viển vông.