Để Bảo tàng Hà Nội thực sự là điểm đến

Phạm Sỹ 25/02/2023 07:00

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị công bố quyết định chuyển chủ đầu tư Dự án trưng bày Bảo tàng Hà Nội. Đồng thời tìm giải pháp “gỡ khó” để nơi đây trở thành địa chỉ văn hóa của Thủ đô.

Bảo tàng Hà Nội.

Theo đó, UBND thành phố Hà Nội đã công bố quyết định thành lập Phòng 5 thực hiện dự án thuộc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng Hà Nội - đơn vị trực tiếp tiếp nhận dự án trưng bày Bảo tàng Hà Nội; yêu cầu đơn vị tiếp nhận, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, triển khai ngay các phần việc.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đề nghị: Cần rà soát lại các loại hợp đồng, giám sát, thúc đẩy các nhiệm vụ, phối hợp kiểm tra, kịp thời tháo gỡ, đề xuất tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm tiến độ, chất lượng, chậm nhất đến năm 2024, phải hoàn thiện được phần nội dung trưng bày ngoài trời và khu vực trưng bày tầng hai.

Thời gian qua, Bảo tàng Hà Nội tập trung triển khai các nhiệm vụ trưng bày thường xuyên; đồng thời đẩy mạnh hoạt động trưng bày, triển lãm, truyền thông quảng bá thương hiệu.

Theo thông tin của Bảo tàng Hà Nội, từ tháng 7/2022 đến nay, đơn vị đã phối hợp tổ chức hàng chục sự kiện, hoạt động văn hóa tiêu biểu như các trưng bày: “Hà Nội - đất trăm nghề”, “Nếp xưa”, “Hà Nội 1972 - Khát vọng hòa bình”, tranh nghệ thuật “Con đường…, thu hút gần 70 nghìn lượt khách tham quan cùng 350 nghìn lượt tương tác trên các trang mạng xã hội.

Bên cạnh đó, Bảo tàng Hà Nội còn duy trì hoạt động, bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao năng lực trình độ cho đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động; tăng cường sưu tầm, huy động hiến tặng tài liệu, hiện vật phục vụ công tác trưng bày, làm giàu cho kho dữ liệu.

Hiện tại, Bảo tàng đã đáp ứng đủ số lượng tư liệu, hiện vật cần thiết cho trưng bày thường xuyên, với gần 8 nghìn tư liệu, hiện vật, mỗi hiện vật chứa đựng một câu chuyện văn hóa, lịch sử đặc sắc.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai các phần việc đã gặp phải một số khó khăn, hạn chế. Nhiều phương án gỡ khó đã được đưa ra như: Bảo tàng cần xây dựng kịch bản truyền thông riêng, bài bản; công tác truyền thông phải chủ động, đi trước; có đội ngũ năng động và chuyên nghiệp; đề nghị Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cùng các ban, ngành liên quan hỗ trợ, hướng dẫn triển khai, thực hiện những nội dung còn vướng mắc về quy định, thủ tục, đơn giá… Cùng đó, Bảo tàng cần có các giải pháp, kế hoạch cụ thể nhằm phát huy vai trò là trung tâm nghiên cứu khoa học, nơi lưu trữ, phản ánh câu chuyện văn hóa lịch sử độc đáo của Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để Bảo tàng Hà Nội thực sự là điểm đến