Chỉ trong hai đêm 12 và 13/2, sóng đánh làm vỡ hàng trăm mét đê biển Gành Hào và Nhà Mát, đe dọa đến tài sản và tính mạng của hàng ngàn hộ dân ven biển Bạc Liêu. Điều đáng nói, năm nào cũng vậy, đến tháng 2 là kè Gành Hào lại vỡ.
Kè đê biển Gành Hào và Nhà Mát, là 2 tuyến kè tiếp giáp cửa biển lớn của tỉnh Bạc Liêu. 2 tuyến kè đê biển này có vai trò quan trọng chấn sóng, triều cường, bảo vệ cuộc sống dân sinh cho hàng nghìn hộ dân và hàng chục nghìn ha đất nuôi trồng thủy sản, làm muối, trồng màu. Được biết, đây là lần thứ 3 trong hơn 1 năm qua kè Gành Hào bị sạt lở sau 11 năm đưa vào sử dụng, và đây là lần sạt lở nghiêm trọng nhất.
Kè đã…già
Ông Vương Thành Văn, 68 tuổi sống tại khu vực bờ kè từ năm 1970 kể: “Sống ở đây đến mùa nước lên là sóng tràn qua đê, biển lở nhiều lắm. Đêm 12 rạng sáng 13 vừa rồi, tôi đang ngủ nhưng thấy đất rung rinh, nhìn ra thấy nước chảy ầm ầm như nước lũ. Tất cả mọi người đều thức dậy hô lớn kè Gành Hào vỡ rồi!”.
Ông Mai Văn Năm, Ấp 1, Thị trấn Gành Hào kể: “Sóng cao gần bằng nóc nhà tôi luôn. Nó cuốn tràn qua đê rồi tuồn vào nhà tôi ngập hết trơn”.
Sáng 13/2, có mặt tại ấp 1, thị trấn Gành Hào, chúng tôi ghi nhận bùn đất vẫn còn vươn vãi khắp nơi trong ấp. Thầy trò Trường tiểu học Chu Văn An sắn quần lội vào sân trường để lên lớp. Bà Nguyễn Thị Bé, vừa dọn dẹp nhà cửa vừa nói: “Đợt này sao mà sóng lớn quá, tràn qua đê nên nước ngập thế sâu hơn mọi năm”.
Ông Lai Thanh Ẩn- Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu cho biết: Sự cố sạt lở đê đoạn kè G1-835m tiếp giáp với đoạn G2-158m làm hư hỏng khoảng 500m2, chiều dài trên 50m. Mặt đường chân bờ kè bị sụp nhiều chỗ khác nhau. Ông Ẩn cũng cho biết đoạn đê này đã được xây dựng 11 năm nay nên kết cấu có nhiều chỗ không chịu được mức sóng, gió lớn như vào đêm 12 rạng 13/2.
Tại cửa biển Nhà Mát, TP.Bạc Liêu, sóng cũng đã làm vỡ một đoạn mái kè khoảng 20m từ nhà hàng Hương Biển, Khu du lịch Nhà Mát đến đồn Biên phòng. Cùng lúc triều cường dâng cao, sóng to, gió lớn, biển động cấp 8, cấp 9, nước tràn qua đỉnh kè gây ngập hàng loạt nhà dân phía trong kè.
Ngay trong đêm, các hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp đã được sơ tán đến nơi ở an toàn. Các hộ dân còn lại ở khu vực lân cận cũng được lực lượng chức năng thông tin kịp thời về diễn biến để chủ động di dời ngay khi dự báo có tình huống xấu xảy ra.
Khẩn cấp tìm giải pháp tối ưu để gia cố
Vào tháng 2-2016 cũng tại vị trí này kè Gành Hào bị sạt lở nghiêm trọng. Sau khi sự cố xảy ra, Bạc Liêu đã khẩn cấp gia cố. Bộ NNPTNT đồng ý xuất kinh phí cho Bạc Liêu trên 20 tỉ đồng để gia cố đoạn đê kè này.
Dù vậy đến tháng 1/2017 lại tiếp tục sạt lở. Và đến đêm 12/2 lại tiếp tục xảy ra sự cố. Người dân ở Gành Hào thắc mắc, năm nào cũng sạt lở ngay đoạn này. Năm nào cũng khảo sát, thiết kế rồi gia cố nhưng xem ra chúng ta chưa “trị” được “thủy thần”.
Trước đó, trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, kè Gành Hào cũng bị sóng đánh gây hư hỏng nhiều đoạn. Các lực lượng vũ trang được huy động để khắc phục tạm thời, bảo vệ thị trấn Gành Hào.
Trả lời câu hỏi của phóng viên vì sao mỗi năm kè lại sạt lở đúng vị trí cũ, ông Lại Thanh Ẩn cho biết: Tỉnh đã mời 6 đơn vị hàng đầu về kè biển Việt Nam để đến Gành Hào khảo sát, trình phương án cụ thể để có chọn ra phương án tối ưu nhất nhằm gia cố có hiệu quả, không thể để tình trạng cứ đến mùa sóng to gió lớn kè Gành Hào lại sạt lở”.
Ngay khi sự cố xảy ra, Chủ tịch UBND tỉnh Dương Thành Trung có mặt trong đêm để chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục. “Trước mắt, chính quyền địa phương, lực lượng Bộ đội Biên phòng khẩn trương giúp dân khắc phục thiên tai, ổn định đời sống, sản xuất, kinh doanh. Công tác giữ gìn tài sản cho hộ dân sơ tán phải thực hiện tốt, tránh tình trạng bị đối tượng xấu lấy trộm. Riêng việc khắc phục các đoạn kè bị hư hỏng, cần có phương án cụ thể, khả thi dựa trên tham vấn của các nhà khoa học và nguồn vốn thực tế của địa phương trong đó, các giải pháp thực hiện việc phá sóng từ xa bảo vệ lâu dài hệ thống kè sẽ được tỉnh Bạc Liêu chú trọng xem xét” ông Trung nói.