Thời tiết nắng nóng, các vi khuẩn trong thức ăn phát triển nhanh hơn khiến nguy cơ ngộ độc thực phẩm dễ xảy ra. Trước đó, không ít cơ sở giáo dục đã để xảy ra tình trạng học sinh bị ngộ độc thực phẩm vì bữa ăn bán trú là hồi chuông cảnh báo tới tất cả mọi người.
Sự cẩn trọng từ giáo viên
Ngày 9/5, 267 trẻ ở Trường mầm non Thuận Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An ăn bữa xế với món sữa chua, đến đêm 76 em bị đau bụng, nôn, được phụ huynh đưa đi cấp cứu tại trạm y tế xã và Bệnh viện đa khoa huyện Đô Lương. Đến hôm sau, sức khỏe các cháu đều ổn định và được xuất viện. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do ngộ độc thực phẩm từ sữa chua do các cô nuôi của trường tự ủ từ sữa chua và sữa đặc còn hạn sử dụng.
Trước đó, ngày 28/3, Trường Tiểu học Kim Giang (quận Thanh Xuân, Hà Nội) tổ chức cho 915 học sinh khối 1 và khối 2 đi thăm quan tại Nông trại giáo dục Cánh Buồm Xanh (xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Đồ ăn trưa cho học sinh được nấu tại trường và vận chuyển đến địa điểm trải nghiệm. Món ăn gồm có cơm rang, gà, khoai tây chiên, canh chua nấu thịt, bánh quy. Tuy nhiên, đã xảy ra vụ việc đáng tiếc khi hơn 50 học sinh khối 2 bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện.
Khi một sự việc ngộ độc thực phẩm tại trường học xảy ra, việc cấp thiết đầu tiên là quan tâm đến sức khỏe của học sinh, giáo viên – những người trực tiếp ăn bữa ăn đó. Song song với đó, các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc để truy tìm nguyên nhân gây xảy ra ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, đó rõ ràng là giải pháp “mất bò mới lo làm chuồng”. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu được kiểm soát kỹ càng ngay từ khâu nguyên liệu đầu vào, quy trình chế biến, đóng gói, vận chuyển thức ăn đến từng học sinh được đảm bảo thì sẽ hạn chế được tối đa nguy cơ ngộ độc thực phẩm xảy ra.
Đơn cử, vụ việc bình nước 20l có đỉa được phát hiện ở Quảng Bình vừa qua. Ngày 28/4, các giáo viên Trường Mầm non Phong Thủy, huyện Lệ Thủy đã phát hiện vật thể lạ trong bình nước nhà trường mua về cho học sinh sử dụng. Sản phẩm này là của Công ty cổ phần nước khoáng Bang (địa chỉ tại thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy), một đơn vị sản xuất nước khoáng, nước giải khát đóng chai được nhiều trường học trên địa bàn huyện Lệ Thủy đang sử dụng. Dù công ty cung cấp dịch vụ, sản phẩm có đầy đủ giấy tờ công nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, được cấp phép hoạt động bởi các cơ quan chức năng và có uy tín trên thị trường tuy nhiên với từng sản phẩm khi trực tiếp đưa vào sử dụng, các giáo viên vẫn phát hiện vấn đề. Nếu như bình nước này được đưa vào sử dụng thì hậu quả sẽ ra sao là điều không ai dám chắc. Quy trình sản xuất, đóng gói… sản phẩm của công ty sẽ được các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra song là người tiêu dùng thông thái, sự cẩn trọng của giáo viên với từng sản phẩm sử dụng cho học sinh của mình là cần thiết góp phần giảm thiểu nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm tại trường học.
Kiến thức và trách nhiệm
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, đối tượng trẻ nhỏ dễ bị ngộ độc thực phẩm hơn người lớn vì hệ miễn dịch của bé vẫn đang phát triển, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Vì vậy, việc đảm bảo an toàn học đường trong đó có an toàn vệ sinh thực phẩm của bữa ăn bán trú được đặt lên hàng đầu bởi liên quan đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của học sinh.
Để bữa ăn học đường thực sự an toàn, chất lượng thay vì là nỗi lo lắng, thậm chí là cơn “ác mộng” đối với hàng triệu phụ huynh có con đang tuổi đến trường, cần những biện pháp đồng bộ từ nhiều phía. Trong đó, cần đặt câu hỏi trước hết về trách nhiệm của những người lo bữa ăn cho các học sinh. Họ có đủ kiến thức và trách nhiệm để chế biến bữa ăn an toàn cho học sinh hay không? Khi một vụ ngộ độc xảy ra, nguyên nhân sẽ do một món ăn nào đó sau đó được các cơ quan chức năng tìm ra nhưng là những người trực tiếp giữ vai trò lo bữa ăn cho học sinh, cần lắm một chữ tâm, sau đó là kiến thức, tuân thủ các quy trình vệ sinh nghiêm ngặt đã được quy định. Hiện để chế biến và cung cấp các suất ăn tập thể đã có những quy định cụ thể quy trình vệ sinh nghiêm ngặt từ khâu nhập nguyên liệu, bảo quản, chế biến, vật dụng chế biến, nhà bếp, vật dụng chứa đựng đồ ăn….
Không chỉ là thực hiện đối phó với các chiến dịch kiểm tra rầm rộ của các cơ quan chức năng mà việc này phải trở thành nền nếp hàng ngày, quy chuẩn bắt buộc phải thực hiện. Thực tế, nhiều đợt kiểm tra cho thấy không ít các bếp ăn tập thể tại trường học tồn tại nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm như thức ăn chín không được bảo quản kín, thiếu dụng cụ che đậy, thùng rác lộ thiên, công tác sơ chế thực phẩm thậm chí vẫn thực hiện dưới nền nhà. Về nguyên liệu đầu vào, nhiều trường chưa thực hiện công tác truy xuất nguồn gốc, kiểm tra giám sát định kỳ và đột xuất đối với các đơn vị cung cấp thực phẩm….
Phụ huynh mong muốn các cơ quan chức năng cần kiểm tra các bếp ăn trường học một cách thường xuyên, khoa học. Hiện công tác giám sát phần lớn vẫn đang được thực hiện bằng mắt thường mà không có bất cứ thiết bị chuyên dụng nào để phân tích các chỉ số an toàn trên thực phẩm.
Khi gửi trẻ đến trường là phụ huynh đã tin tưởng hoàn toàn vào nhà trường. Vì vậy, mong mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường cần đề cao trách nhiệm và thật tâm trong việc chăm lo bữa ăn cho học sinh, đảm bảo đúng quy trình thực hiện bữa ăn học đường để mỗi ngày đến trường không còn nơm nớp lo mất an toàn.