Để chứng chỉ nội không 'lép vế'

Hàn Minh 14/04/2023 10:00

Theo hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2023 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, những thí sinh có chứng chỉ TOEFL ITP 450 điểm, TOEFL iBT 45 điểm hoặc IELTS 4.0 được miễn thi Ngoại ngữ. Sự vắng bóng của chứng chỉ ngoại ngữ nội một lần nữa được nhiều người quan tâm.

Năm 2023, nhiều trường sử dụng chứng chỉ tiếng Anh VSTEP để tuyển sinh đầu vào.

Nhiều ưu tiên với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế

Năm nay, thí sinh thi tốt nghiệp THPT được chọn 1 trong 7 ngôn ngữ để thi mà không nhất thiết phải đăng ký thứ tiếng học trong trường. Tương tự năm trước, thí sinh là thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn Ngoại ngữ hay có các chứng chỉ ngoại ngữ hợp lệ, có giá trị sử dụng ít nhất đến ngày 27/6 sẽ được miễn bài thi Ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Với riêng tiếng Anh, thí sinh có chứng chỉ TOEFL ITP 450 điểm, TOEFL iBT 45 điểm hoặc IELTS 4.0 được miễn thi Ngoại ngữ. Ghi nhận những năm trước đã có hàng chục nghìn thí sinh được miễn thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ, tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM...

Bên cạnh đó, một bộ phận thí sinh dù sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh thừa chuẩn nhưng vẫn đăng ký thi tốt nghiệp để lấy điểm xét tuyển đại học (ĐH). Bởi trong nhiều phương thức xét tuyển thì xét theo kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn được chủ yếu các trường lựa chọn. Dù thí sinh sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế sẽ được ưu tiên xét tuyển theo phương thức xét tuyển kết hợp vào một số trường nhưng để tăng cơ hội đỗ vào các ngành, trường yêu thích với tỷ lệ chọi cao thì việc chuẩn bị thêm các phương án dự phòng khác vẫn cần được quan tâm.

Em Phạm Việt Anh (học sinh lớp 12 Trường THPT Đông Mỹ, Hà Nội) cho biết, em vừa thi đạt chứng chỉ ngoại ngữ IELTS 6.0. Tuy nhiên, với nguyện vọng 1 vào Trường Đại học Ngoại thương thì chứng chỉ này vẫn chưa “có cửa”, nên em vẫn sẽ dự thi tốt nghiệp THPT như bình thường, không nộp chứng chỉ để miễn thi. “Em sẽ vẫn sẽ nộp chứng chỉ vào các trường ĐH khác lấy ngưỡng 6.0, nhưng đây cũng chỉ là một trong các phương án, vì em biết ở mức này thì có rất nhiều thí sinh đạt được” - Việt Anh nói.

“Vắng bóng” chứng chỉ nội

Lợi thế khi có chứng chỉ ngoại ngữ là điều dễ đã nhận thấy qua các mùa tuyển sinh ĐH gần đây, nên nhiều học sinh THPT đã sớm luyện thi để sở hữu một chứng chỉ. Dẫu vậy, để đạt được điểm số mong ước là điều không hề dễ, đòi hỏi thí sinh phải dành rất nhiều thời gian và có sự chuẩn bị tốt về tài chính, đặc biệt là với các chứng chỉ quốc tế.

Bên cạnh đó, năm nay, nhiều trường ĐH đã quyết định sử dụng thêm chứng chỉ tiếng Anh VSTEP theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam để tuyển sinh đầu vào, như: Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội, các trường trực thuộc ĐH Quốc gia TPHCM...

Tuy nhiên, soi chiếu theo hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa công nhận chứng chỉ này để miễn thi ngoại ngữ cho thí sinh khi xét tốt nghiệp THPT. Liệu đây có phải là một bất cập khi Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan cấp phép nhưng lại chưa cho phép thí sinh có chứng chỉ VSTEP được miễn thi tốt nghiệp trong khi chứng chỉ quốc tế lại được chấp thuận?

Từ năm 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc cho Việt Nam. Từ năm 2015, Bộ đã công nhận một số cơ sở giáo dục ĐH được tham gia rà soát năng lực ngoại ngữ giáo viên tiếng Anh và được cấp chứng chỉ ngoại ngữ này. Năm 2016, Bộ cũng đã ban hành Quyết định 1477 về định dạng đề thi đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (dành cho học sinh THPT).

Việc không công nhận chứng chỉ ngoại ngữ nội thêm một lần nữa khiến cho một số ít thí sinh dù biết đến chứng chỉ này cũng không mặn mà đăng ký tham dự do cơ hội sử dụng không nhiều, mức độ ưu tiên cũng không lớn so với những chứng chỉ ngoại ngữ khác không chỉ được công nhận tại nhiều quốc gia trên thế giới mà ngay chính tại Việt Nam cũng được đông đảo các trường ĐH sử dụng hơn trong xét tuyển đầu vào, đầu ra…

Theo các chuyên gia, để tạo điều kiện cho việc mở rộng diện sử dụng của chứng chỉ ngoại ngữ nội như kỳ vọng, cần có sự đối sánh giữa bài thi trong nước và quốc tế để có nhìn nhận khách quan về chất lượng chứng chỉ, định hướng cho người thi. Khi đó, các trường ĐH cũng sẽ chủ động bổ sung chứng chỉ nội vào danh sách xét tuyển kết hợp như cách làm hiện nay với các chứng chỉ quốc tế, thay vì chỉ khuyến khích suông sẽ khiến các trường khó mặn mà, tin dùng chứng chỉ nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để chứng chỉ nội không 'lép vế'