Dư luận đang rất “nóng” với vụ án tử tù Hồ Duy Hải, sau khi Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao bác kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND Tối cao. Nhiều ý kiến chuyên gia, luật sư cho rằng, việc Hội đồng Thẩm phán khẳng định các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm, phúc thẩm chỉ có một số thiếu sót nhỏ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử nên không ảnh hưởng gì đến bản chất vụ án là khiên cưỡng, thiếu tính thuyết phục.
Viện KSND Tối cao đặt vấn đề: Việc các cơ quan tố tụng của tỉnh Long An kết tội Hồ Duy Hải về các hành vi giết người, cướp tài sản chỉ dựa trên lời khai (mâu thuẫn, bất nhất) của bị án này và các chứng cứ gián tiếp mang tính suy đoán, mà không thu giữ được hung khí gây án, không thực hiện giám định mẫu máu tại hiện trường ngay sau khi xảy ra án mạng, không truy được dấu vân tay của ai tại hiện trường (không có dấu vân tay của Hồ Duy Hải)... liệu đã khách quan, đúng người, đúng tội?
Quan điểm của cơ quan công tố tối cao là cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm, phúc thẩm đã vi phạm nghiêm trọng các trình tự tố tụng hình sự. Những vật chứng quan trọng như con dao, chiếc thớt... được coi là công cụ gây án lại không được CQĐT thu giữ, bảo quản nguyên vẹn theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Ngay cả chiếc ghế được xác định là công cụ gây án cũng có sự khác biệt về ký hiệu giữa kết luận điều tra và bản ảnh chụp tại hiện trường vụ án. Đây không phải sai sót nhỏ mà là vi phạm quy trình tố tụng.
Chưa hết, lời khai của nhân chứng Đinh Vũ Thường được xem là rất quan trọng trong việc làm rõ sự thật khách quan của vụ án cũng bị các cơ quan tố tụng sơ thẩm, phúc thẩm loại ra khỏi hồ sơ vụ án. Lý giải về điều này, CQĐT tỉnh Long An cho rằng, do ngay từ đầu xác định Đinh Vũ Thường là nghi can chứ không phải nhân chứng nên không đưa lời khai của anh này vào hồ sơ vụ án. Vậy vì sao khi đã xác định được nghi can khác, cơ quan tố tụng lại không bổ sung lời khai của nhân chứng này vào hồ sơ?
Theo quy định của pháp luật hình sự, khi xác định một vụ án còn nhiều “điểm mờ” chưa được làm rõ, hoặc có những vi phạm nghiêm trọng về tố tụng thì cần phải hủy án để điều tra lại, đảm bảo không gây oan sai, không bỏ lọt tội phạm. Cụ thể trong vụ án này, Hồ Duy Hải có thể bị oan, cũng có thể chính là hung thủ gây án. Song, hãy khoan bàn đến việc Hải có tội hay không có tội, mà vấn đề là các cơ quan tố tụng phải đảm bảo tính khách quan, trung thực để làm rõ bản chất vụ án phức tạp này.
Lạ ở chỗ, tất cả mọi kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND Tối cao về các vi phạm tố tụng nghiêm trọng đều được Hội đồng Thẩm phán lý giải bằng một câu: Chi tiết nhỏ, sai sót nhỏ không ảnh hưởng đến bản chất vụ án. Việc không thu được hung khí gây án rồi ra chợ mua về, việc bỏ ngoài hồ sơ vụ án lời khai của một số nhân chứng quan trọng... nếu chỉ là những chi tiết nhỏ, sai sót nhỏ, thì điều gì mới là quan trọng để xác định một người là có tội hay không có tội trong một vụ án hình sự?
Bất kể nền tư pháp nào, dù “tây” hay “ta” đều trọng chứng hơn trọng cung, đề cao tầm quan trọng của vật chứng trong các vụ án hình sự. Chỉ dựa vào lời khai để kết tội rất dễ dẫn đến sai lầm, gây oan sai cho người vô tội, đồng thời bỏ lọt tội phạm đích thực. Trường hợp oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) là một ví dụ điển hình. Nếu thủ phạm thực sự của vụ án là Lý Nguyễn Chung không ra đầu thú, có lẽ các cơ quan tố tụng cũng chưa nhận sai và chưa chịu xin lỗi, bồi thường oan sai cho ông Chấn.
Điều 102, Hiến pháp 2013 nêu rõ: TAND là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Theo đó, khi vụ án Hồ Duy Hải có những “sai sót” cần phải được xem xét, điều tra lại để đảm bảo khách quan, đúng người, đúng tội. Sau khi làm đúng các trình tự, thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật, nếu vẫn xác định Hồ Duy Hải có tội thì lúc đó không chỉ anh ta mà dư luận xã hội cũng tâm phục khẩu phục, củng cố niềm tin của nhân dân vào chính nghĩa, công lý.
Song, có nhiều ý kiến luật sư cho rằng, việc ông Chánh án TAND Tối cao ngồi ghế chủ tọa giám đốc thẩm là không phù hợp, không đảm bảo khách quan để xem xét vụ án tử tù Hồ Duy Hải. Bởi lẽ, năm 2011, với tư cách Viện trưởng Viện KSND Tối cao, ông đã ra quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm vụ án này. Dù có là một người thiết diện vô tư như Bao Công cũng khó có thể công tâm, khách quan khi xem xét lại một vụ án mà bản thân từng nhận định là đã “xử đúng”.
Công lý sẽ chỉ được bảo vệ khi mà TAND xét xử độc lập, không chịu sự chi phối của bất kỳ người nào, đồng thời phải khách quan, vô tư. Vậy nên, để đảm bảo không gây oan sai, bỏ lọt tội phạm trọng vụ án này, dư luận mong Ủy ban TVQH vào cuộc giám sát, xem xét lại quyết định giám đốc thẩm đối với vụ án này.