Tối 21/8, Văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu chính thức thông báo đường dây nóng của ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh. Thông báo gửi tới các cơ quan báo chí trong tỉnh để phổ biến rộng rãi tới người dân. Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu được biết đến là người quyết liệt trong điều hành nhưng cũng rất cầu thị tiếp thu những ý kiến, phản ánh những vấn đề chưa phù hợp.
Chỉ sau 12 giờ công bố đường dây nóng (từ 22 giờ ngày 21/8 đến 10 giờ ngày 22/8), Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhận hơn 100 cuộc gọi, hơn 100 tin nhắn phản ánh, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân.
Việc Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu công khai số điện thoại cho thấy sự khẳng khái, quyết liệt, gần dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, yêu cầu của người dân từ đó chỉ đạo tìm hiểu, giải quyết. Cũng có nghĩa là người đứng đầu chính quyền tỉnh không chỉ muốn nghe “lời hay” mà rất muốn biết vướng mắc những gì, từ đâu để tháo gỡ cho dân.
Trước đó, cũng có một số quan chức chính quyền địa phương công khai số điện thoại cá nhân. Một trong những người như vậy là Đại tá Đinh Văn Nơi - khi ông là Giám đốc Sở Công an tỉnh An Giang. Đầu tháng 7/2020, chỉ sau ít ngày từ TP Cần Thơ về nhận nhiệm vụ mới ở An Giang, Đại tá Đinh Văn Nơi đã cho đăng công khai số điện thoại cá nhân của mình lên Cổng Thông tin điện tử Công an tỉnh An Giang. Một thời gian sau, ông Nơi lại lấy số điện thoại cá nhân của mình làm đường dây nóng của Công an tỉnh, với mong muốn người dân báo tin về an ninh trật tự vào số điện thoại đó nhiều hơn nữa, nhất là trong giai đoạn công an tỉnh đang tập trung cao điểm tấn công trấn áp tội phạm.
“Chiến công đầu tiên” có thể kể đến là từ tin nhắn của người dân, ông Nơi đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh An Giang xác lập chuyên án bóc gỡ đường dây đánh bạc lớn trên địa bàn, với hơn 60 đối tượng liên quan.
Chưa dừng lại, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát dữ dội, ông Nơi lại yêu cầu sử dụng luôn số điện thoại nóng của mình để tiếp nhận cả những tin báo liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thuộc nhiệm vụ của lực lượng công an tỉnh, với nội dung: “Người dân nào ở An Giang chưa nhận được sự hỗ trợ, đang thiếu gạo ăn, có thể nhắn tin trực tiếp vào số điện thoại đường dây nóng 096.229.7777, để Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo ngay cho công an các địa phương trực tiếp hỗ trợ gạo”.
Kết quả là ngay sau đó, số điện thoại đường dây nóng của Đại tá Đinh Văn Nơi liên tục "sáng đèn".
Trong giai đoạn nóng, mỗi ngày đường dây nóng của ông Nơi nhận hàng trăm cuộc gọi và tin nhắn. Trong trường hợp vì bận công việc hoặc hội họp mà chưa thể trả lời ngay được cuộc gọi của người dân, thì sau 15 giây cuộc gọi đó sẽ được chuyển đến đường dây trực ban 24/24 của Công an tỉnh An Giang; đồng thời sau đó nội dung cuộc gọi được tổng hợp và báo cáo lên Đại tá Đinh Văn Nơi xử lý ngay.
Ông Nơi cho biết, có nhiều cuộc điện thoại, tin nhắn nhưng ông không cảm thấy phiền phức, vì ông tin rằng chỉ khi người dân thật sự tin tưởng thì họ mới báo tin.
Lãnh đạo địa phương công khai số điện thoại là rất đáng quý, nhưng còn đáng quý hơn khi những cú điện thoại, tin nhắn của người dân được tiếp nhận, nhanh chóng được xử lý và xử lý rốt ráo. Người dân gửi gắm niềm tin thì cũng không thể phụ lòng dân.
Nhân đây cũng nói chút ít về “đường dây nóng”, nhưng lại... nguội. Thời gian qua, việc sự cố ở cây ATM, hay là quyền lợi người tiêu dùng bị xâm phạm, kể cả cuộc gọi báo tai nạn giao thông... được người dân phản ánh nhưng cũng hiếm khi được tiếp nhận, giải quyết. Đáng buồn là người gọi chỉ nhận được câu trả lời gài đặt sẵn, kiểu như “cảm ơn, hiện đường dây đang bận, xin gọi lại sau”.
Cũng chính vì thế mà đường dây nóng bị... nguội.
Trong câu chuyện này có thể kể đến việc cách đây gần chục năm, ngày 29/12/2014, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã công bố rộng rãi số điện thoại đường dây nóng của ban thường trực để giải quyết thông tin phản ảnh về hoạt động vận tải, tình hình trật tự an toàn giao thông. Theo đó, có 4 nơi nhận thông tin từ người dân là Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Tổng cục Đường bộ và Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt.
Cách làm như vậy là rất tốt nhưng còn tốt hơn nhiều là sau một thời gian nhất định (có thể 3 tháng, 6 tháng) cần thông báo rõ nhận được bao nhiêu tin báo, đã giải quyết được bao nhiêu. Có như vậy mới tăng thêm niềm tin trong dân, để đường dây nóng thực sự nóng.