Để Hà Nội đẹp hơn

Phạm Sỹ 26/08/2022 13:15

Hà Nội là thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế. Vì thế theo các chuyên gia, cần có một chiến dịch chung để Hà Nội trở nên đẹp hơn. Trong đó, cộng đồng đóng vai trò chính, là chủ thể sáng tạo không gian công cộng.

Thu về bên hồ Gươm.

Kinh nghiệm từ phố cổ

Là địa bàn đã và đang thực hiện nhiều dự án cải tạo và chỉnh trang đô thị, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, tôn giáo của thủ đô. Ngoài một đô thị điển hình tích hợp rất nhiều chức năng, quận Hoàn Kiếm còn sở hữu quỹ di sản dày đặc với đầy đủ các loại hình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng như đình, đền, chùa, miếu. Trong đó, riêng khu phố cổ với diện tích khoảng 8,2ha, đã có 121 công trình di tích.

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, năm 2010, UBND quận Hoàn Kiếm đã nghiên cứu thực hiện chỉnh trang tuyến phố Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Đường - Đồng Xuân - Hàng Giấy. Năm 2012 thực hiện dự án cải tạo thí điểm một đoạn phố Tạ Hiện. Năm 2013 thực hiện cải tạo tuyến phố Đông Nam dược Lãn Ông. Năm 2016 thực hiện chỉnh trang các tuyến phố xung quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm. Từ năm 2017, UBND quận Hoàn Kiếm lên kế hoạch chỉnh trang các tuyến phố trên địa bàn quận. Bên cạnh đó, UBND quận còn thực hiện các dự án nghệ thuật công cộng như phố bích họa Phùng Hưng, dự án nghệ thuật Phúc Tân...

Mùa cúc họa mi. Ảnh: M.Nam.

Quận Hoàn Kiếm đã xây dựng các kế hoạch dài hạn đối với việc trùng tu các công trình di tích, công trình kiến trúc có giá trị. Hàng năm, quận đã dành một khoản lớn ngân sách để giải phóng mặt bằng, di chuyển các hộ dân kết hợp với nguồn xã hội hóa trùng tu các công trình di tích trong quận Hoàn Kiếm. Công việc này chính là sản phẩm bước đầu của Đề án "Giãn dân khu Phố cổ", giúp cho người dân sống trong các công trình di tích có nơi ở mới khang trang, giảm áp lực lên hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, bảo tồn được các công trình có giá trị kiến trúc, nhu cầu tín ngưỡng của người dân được khôi phục, thu hút khách du lịch, trở thành điểm sinh hoạt văn hóa, tổ chức lễ hội của cộng đồng dân cư, các giá trị phi vật thể của di tích được phát huy và trở thành thiết chế văn hóa tại cơ sở trong khi quận Hoàn Kiếm không có quỹ đất.

Nói về lý do dẫn đến việc thành lập không gian phố đi bộ, ông Long cho biết: “Quản lý đất đai và sở hữu các vùng khác không phức tạp như ở đây. Điều đó dẫn đến nhiều khó khăn và vướng mắc trong vấn đề bảo tồn. Chưa kể, ở quận Hoàn Kiếm, các thiết chế đô thị gần như đã hoàn thiện, nên việc giãn dân rất khó. Vì thế, chúng tôi quyết định tập trung cải tạo không gian công cộng và nâng cấp thiết chế văn hóa”.

Bãi sông Hồng mùa hoa lau. Ảnh: Nguyễn Minh Tiến.

Trong thời gian tới, nhằm phát huy tối đa các giá trị lịch sử văn hóa, phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch trên địa bàn, quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục triển khai phương án mở rộng không gian đi bộ phía Nam khu phố cổ Hà Nội kết nối phía Bắc không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm thành một chỉnh thể bổ trợ chức năng.

Xây dựng Thủ đô đẹp toàn diện

Tại tọa đàm về thiết kế công cộng “Hanoi Design City - Hà Nội đẹp từng centimet”, nhiều kiến trúc sư, họa sĩ, nhà nghiên cứu đã cùng thảo luận với mong muốn giúp không gian công cộng ở Hà Nội trở nên phong phú hơn, đẹp hơn.

Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế, nhà nghiên cứu văn hóa, mỹ thuật cho rằng: Sẽ phải làm đẹp lại từng centimet”.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc nghệ thuật tại Heritage Space, cố vấn thiết kế công cộng của VNDW, chia sẻ: Giải pháp xanh nhằm giảm cứng hóa, giảm khí thải đang trở thành xu hướng cho thiết kế không gian công cộng. Có thể là cải tạo một không gian lớn để mọi người có những hoạt động ngoài trời, ngăn chặn giảm thiểu xả rác hoặc thu gom đồ tái chế ở nơi công cộng. Cũng có thể cải tạo, thay đổi, xây mới một công trình, một nơi chốn bị bỏ hoang thành một nơi hữu ích cho nhiều người và mang tính sinh thái nhất…

Cũng theo ông Tuấn, giải pháp này sẽ bao gồm cả ý tưởng cho không gian lớn và ý tưởng dành cho những đồ vật nhỏ bé, không gian nhỏ bé nhưng có khả năng lan tỏa và nhân rộng ở nhiều nơi.

KTS Lê Việt Hà nhận xét, trước sức ép đô thị hóa, Thủ đô Hà Nội đang trở nên lộn xộn và đánh mất dần bản sắc. Không gian công cộng, đường phố không chỉ mất tính an toàn mà còn chưa đẹp, thiếu giá trị thẩm mỹ.

Từ năm 2003, mạng lưới Ashui.com đã phối hợp với Ban quản lý phố cổ Hà Nội tổ chức các cuộc thi thiết kế làm đẹp cho thành phố như: Hà Nội 36 phố phường - Ý tưởng cho một góc phố đẹp; Đánh thức không gian; Công viên Thống Nhất cho tất cả mọi người... Từ đây đã xuất hiện các phương án, các ý tưởng gắn liền với yêu cầu của thực tế.

Năm nay, cuộc thi thiết kế Hanoi design city - Hà Nội đẹp từng centimet tiếp tục được tổ chức, mong muốn các thí sinh gửi về những ý tưởng thiết kế, làm đẹp, chỉnh trang một góc phố, đoạn vỉa hè... Với những kỳ vọng mới, Hà Nội sẽ thực sự là một thành phố sáng tạo trong lĩnh vực Thiết kế mà UNESCO đã công nhận, một nơi văn minh, văn hiến.

Nhiều nhà thiết kế cho rằng, cùng với chính quyền, giới chuyên môn, để có được thành công bền vững, rất cần cư dân địa phương tham gia vào thiết kế không gian công cộng. Bởi đó chính là chủ thể của những không gian này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để Hà Nội đẹp hơn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO