Để học phí không là rào cản

Thu Hương 11/09/2023 14:00

Kết thúc thời hạn xác nhận nhập học trên Hệ thống tuyển sinh chung, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho biết có 117.795 thí sinh trúng tuyển nhưng không xác nhận nhập học đợt 1. Ghi nhận thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân khiến thí sinh từ chối cơ hội này là vì yếu tố tài chính.

Tân sinh viên nhập học tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.

Khó trượt đại học

Theo thống kê của Bộ GDĐT, kết quả xét tuyển đợt 1 có hơn 612.000 thí sinh trúng tuyển, đạt trên 92,7% so với số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học (ĐH). Như vậy, trong 10 thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH năm nay, có tới 9,2 người đỗ ĐH - tỷ lệ cao cho thấy thực tế cánh cổng vào ĐH rất rộng mở. Gần như thí sinh cứ đăng ký xét tuyển ĐH là trúng tuyển do được đăng ký nguyện vọng không giới hạn và xét tuyển từ cao xuống thấp, không có sự chênh lệch điểm chuẩn trúng tuyển giữa nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2, 3, 4… như kì thi vào THPT.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào con số 494.000 thí sinh hoàn thành thủ tục nhập học, đạt tỷ lệ 80,8% so với số thí sinh trúng tuyển ĐH đợt 1 thì thấy đây mới chính xác số liệu phản ánh tình trạng tuyển sinh của nhà trường. Gần 20% thí sinh đã trúng tuyển ĐH đợt 1 không xác nhận nhập học trực tuyến của năm nay thấp hơn 0.8% so với năm 2022. Trong khi đó, nếu so sánh với số thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH, số thí sinh trúng tuyển ĐH đợt 1 xác nhận nhập học trực tuyến đạt 74,9%; năm 2022, tỉ lệ này là 74,6%.

Trước đó, thống kê của Bộ GDĐT cho thấy, năm nay cả nước có trên 660.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, chiếm 65,9% số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023. Con số này cao hơn năm 2022 chỉ đạt 61,3% nhưng thấp hơn khá nhiều so với các năm trước. Lý giải nguyên nhân này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) Nguyễn Thu Thủy nhận định do thay đổi thời gian đăng ký xét tuyển từ trước thành sau khi biết kết quả thi tốt nghiệp THPT. Điều này giúp thí sinh nhận định rõ hơn năng lực của mình, từ đó đăng ký xét tuyển vào ĐH theo đúng nguyện vọng và khả năng của bản thân. Điều này cũng giúp công khai, minh bạch số lượng thí sinh trúng tuyển khi hiển thị rõ ràng trên hệ thống, hạn chế được việc tuyển sinh vượt chỉ tiêu quá nhiều so với đề án tuyển sinh đã công bố.

Không nhập học vì học phí cao

Theo số liệu tuyển sinh năm 2022, 2023, cả nước có hàng trăm nghìn thí sinh trúng tuyển nhưng không xác nhận nhập học đợt 1. Đi tìm nguyên nhân khiến những thí sinh này từ chối xác nhận nhập học như thay đổi mục tiêu tương lai, chọn đi du học, học nghề, xuất khẩu lao động, đi làm ngay hoặc muốn nhập học vào trường khác bằng nguyện vọng bổ sung... Đáng chú ý trong số đó có nhóm lý do liên quan đến yếu tố tài chính.

Thí sinh Trần Đình Khải (Thường Tín, Hà Nội) cho biết, vừa qua em trúng tuyển nguyện vọng 2 vào ngành Khoa học máy tính của Trường ĐH Xây dựng. Tuy nhiên, khi nhà trường thông báo điểm chuẩn, chưa kịp vui vì đỗ ĐH, Khải nhận ra đây là chương trình liên kết với nước ngoài có mức học phí cao hơn so với các chương trình khác của nhà trường, dự kiến lên đến cả tỉ đồng bao gồm học phí 2 năm học ở trong nước và 2 năm học ở nước ngoài, chưa tính các chi phí khác khi học tập ở nước ngoài. Xét đến hoàn cảnh của gia đình, em quyết định không nhập học và chờ cơ hội xét tuyển bổ sung dù khá lo lắng vì cũng không còn nhiều ngành “hot”.

Học phí cũng là nỗi lo của nhiều thí sinh và gia đình khi đứng trước ngưỡng cửa vào ĐH. Em Đỗ Minh Phong (cựu học sinh Trường THPT Duy Tiên C, Hà Nam) cho biết, trúng tuyển vào ngành Công nghệ thông tin của Học viện Ngân hàng. Tuy nhiên, trong thời gian chờ điểm chuẩn em mới tìm hiểu kỹ năm nay trường dự định sẽ tăng học phí 430.000 đồng/tín chỉ của năm học 2022 – 2023 lên 790.000 đồng/tín chỉ. Mặc dù Chính phủ yêu cầu không tăng học phí năm nay nhưng chắc chắn những năm sau là không tránh khỏi nên em rất lo lắng. Gia đình em ở nông thôn, bố mẹ làm nông nên mức học phí này cộng thêm tiền sinh hoạt phí hàng tháng ở Thủ đô vài triệu đồng nữa thì không thể kham nổi dù được vay tín dụng. Suy đi tính lại, em đã nộp hồ sơ vào một trường cao đẳng cũng ngành này, học phí thấp hơn nhiều và với điểm số cao, em được nhận học bổng giảm 50% học phí của nhà trường nên đỡ được phần nào gánh nặng cho gia đình.

Trên thực tế học phí tăng cao là nỗi lo của không chỉ thí sinh ở nông thôn, vùng sâu vùng xa mà ngay tại thành thị, nhiều gia đình cũng chật vật để xoay xở đóng học phí cho con em mình. Chính vì vậy, ngay từ khi chọn trường nhiều thí sinh đã chấp nhận từ bỏ, chuyển hướng ước mơ của mình từ ngành học này sang ngành học khác bởi gánh nặng học phí. Trong khi đó, một số thí sinh khác sau khi biết tin trúng tuyển mới biết chính xác mức học phí sẽ phải nộp từ phía nhà trường nên quyết định “quay xe” chờ cơ hội ở đợt xét tuyển bổ sung hoặc rẽ hướng sang trường nghề…

Theo báo cáo của Bộ GDĐT, những năm gần đây, tỷ lệ nhập học thấp chủ yếu rơi vào vùng trung du, miền núi nơi còn nhiều khó khăn. Về phía các trường ĐH cũng ghi nhận khối ngành sức khỏe 2 năm trở lại đây có sự thay đổi đáng kể về học phí khiến nhiều thí sinh băn khoăn. Đơn cử, Trường ĐH Tân Tạo thu bình quân 150 triệu đồng/năm; ngành Răng hàm mặt của Trường ĐH Văn Lang học phí dao động khoảng 200 triệu đồng/năm, ngành Y khoa từ 170 - 196 triệu đồng/năm; ngành Răng hàm mặt của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng là 180 triệu đồng/năm, chương trình đào tạo bằng tiếng Anh có học phí 220 triệu đồng/năm học… Như vậy, nếu thuận lợi tốt nghiệp các trường này cũng phải đóng học phí hàng tỉ đồng - một con số quá sức với hầu hết các gia đình.

Cần giải pháp đồng bộ

Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, các chính sách về học phí (nghị định 60 và nghị định 81) hiện chưa thực hiện. Nguồn lực cho các cơ sở giáo dục ĐH không tăng trong 3 năm nay. Trong điều kiện giá cả tăng, đây là thách thức lớn để giữ chân đội ngũ giảng viên, giáo viên.

Do đó, Bộ GDĐT nỗ lực đảm bảo chi thường xuyên cho giáo dục ĐH, chưa thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục ĐH. Bộ sẽ đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ các trường trong bối cảnh khó khăn giống như hỗ trợ doanh nghiệp.

Dẫu vậy, điều đó cũng sẽ không thay đổi được một thực tế là hiện nay nguồn thu của phần lớn các trường ĐH của Việt Nam là từ học phí. Nên dù năm nay chưa tăng học phí song những năm sau, lộ trình tăng học phí là không thể tránh khỏi. Vì vậy, đòi hỏi cần có giải pháp đồng bộ từ nhiều phía để học phí không là rào cản khi thí sinh chọn ngành, chọn trường ĐH.

Trong đó, theo TS Lê Viết Khuyến (Hiệp hội Các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam), hiện nay chính sách tín dụng của Nhà nước hỗ trợ sinh viên mới chỉ giới hạn con gia đình nghèo. Vị chuyên gia này dẫn báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới chỉ ra chính sách tín dụng sinh viên ở Việt Nam, thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, còn thiếu hấp dẫn. Phần đông sinh viên đi học hiện nay tự phải lo kinh phí từ nguồn gia đình, thiếu sự hỗ trợ lâu dài từ phía Nhà nước. Vì vậy, cần mở rộng chính sách tín dụng đối sinh viên để người học có nhu cầu có thể tiếp cận vốn vay và trang trải cuộc sống học tập. Đây là điều mà học sinh, sinh viên và nhiều gia đình mong muốn nhất hiện nay.

Về phía các trường, để có thêm nguồn lực, theo ông Khuyến cần phải xem lại tính hiệu quả trong hoạt động của mình, đồng thời đa dạng được nguồn thu để giảm phụ thuộc vào việc tăng học phí. Bên cạnh đó, quan tâm xây dựng quỹ học bổng và cơ chế tài chính để hỗ trợ sinh viên khi học phí tăng.

PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM:

Kiến nghị chính sách tín dụng cho sinh viên vay

Để việc tăng học phí đại học không trở thành rào cản, cần mở rộng đối tượng cho sinh viên được vay, điều chỉnh hạn mức vay, giảm lãi suất, tăng thời gian cho sinh viên vay, nghiên cứu xây dựng, sớm ban hành chính sách tín dụng cho sinh viên vay thương mại. Năm học 2023-2024, Đại học Quốc gia TPHCM dự kiến triển khai thí điểm “Đề án Chương trình tín dụng sinh viên” trong đó Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TPHCM chủ trì thống kê số lượng sinh viên có nhu cầu vay vốn, phân loại đối tượng sinh viên vay trực tiếp và sinh viên vay vốn thông qua hộ gia đình; xây dựng nhu cầu vốn, quy trình phối hợp trước, trong và sau khi cho vay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để học phí không là rào cản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO