Để không đến hẹn lại… lạm thu

Thu Hương 15/08/2023 06:25

Ngành Giáo dục và Đào tạo đã có những quy định rất rõ về các khoản thu trong nhà trường. Tuy nhiên, tình trạng lạm thu vẫn luôn là vấn đề khiến phụ huynh trăn trở mỗi dịp đầu năm học mới.

Học sinh Hà Nội trong lễ khai giảng năm học mới 2022-2023. Ảnh minh họa.

Nỗi lo phí chồng phí đầu năm học

Ngày tựu trường cận kề cũng là lúc các khoản thông báo, kêu gọi đóng tiền đầu năm bủa vây các bậc phụ huynh. Chị Tô Mai Trang (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, dù chưa chính thức bước vào năm học mới nhưng trường các con chị đều đã triển khai học hè - tức các ban phụ huynh cũng bắt đầu hoạt động.

“Bé lớp 3 vẫn còn một chút quỹ lớp năm cũ nên trưởng ban phụ huynh đề xuất tạm đóng 200 nghìn đồng/cháu để bảo dưỡng điều hòa và chi phí đầu năm học. Hai bé lớp 1 và lớp 6 đầu cấp là đóng góp nặng nhất. Ngoài tiền đồng phục, sách vở, đồ dùng học tập mua từ nhà trường còn có các khoản đóng góp quỹ lớp dùng cho các hoạt động chung, mua sắm trang thiết bị. Dù rằng điều hòa, rèm cửa hay máy chiếu… cũng là để phục vụ con em mình nhưng trong một tập thể có nhiều gia đình điều kiện kinh tế khác nhau, thiết nghĩ các bậc phụ huynh khi đề xuất mức đóng góp chung cũng cần chú ý tránh đưa ra những con số gây tâm lý bức xúc với những phụ huynh khác”- chị Trang bày tỏ quan điểm.

Dù dưới danh nghĩa tự nguyện nhưng rất nhiều khoản đóng góp ở trường, lớp hiện nay là chia đều theo đầu người và theo hình thức biểu quyết với “phần thắng” thuộc về số đông. Chẳng hạn, riêng việc mua điều hòa để lắp trong các phòng học, có phụ huynh đồng ý mua điều hòa 1 chiều, có người muốn điều hòa 2 chiều chưa kể các hãng khác nhau giá thành cũng khác nhau… Vì vậy, đa số các lớp đều làm bình chọn và phụ huynh phải chấp nhận theo số đông, kể cả những học sinh có hoàn cảnh khó khăn cũng không ngoại lệ.

Xử lý nghiêm để làm gương

Mới đây, câu chuyện nhà trường bán đồng phục đầu năm học mới kèm balo ở Trường THPT Bình Phú (TPHCM) gây bức xúc dư luận. Cụ thể, theo nhân viên của nhà trường, balo phải là balo đồng phục, balo không có logo trường bảo vệ không cho vào. Đồng phục phải mua theo đơn vị bộ, không được mua lẻ áo, quần, váy… Thậm chí năm học 2021-2022, trường còn bán đồng phục theo combo, không được bán lẻ bộ mùa dài tay, ngắn tay… theo nhu cầu của học sinh cần với 2 mức giá 1.800.000 đồng hoặc 2.150.000 đồng.

Mặc dù sau đó hiệu trưởng nhà trường khẳng định trường không có chủ trương bắt buộc học sinh mua balo như đăng tải trên mạng xã hội mà do nhân viên trao đổi chưa chính xác chủ trương của trường với phụ huynh.

Dẫu vậy, nhiều ý kiến cho rằng đồng phục là một yếu tố của nhận diện thương hiệu. Nhưng hiện nay nhiều trường yêu cầu đồng phục từ quần áo, ba lô, sách vở với chi phí không hề rẻ khiến học sinh có điều kiện kinh tế không khá giả rất khó để theo kịp khi đồng phục phải mặc cả tuần, mỗi bộ có giá vài trăm nghìn đồng. Sách cũng thay đổi nên học sinh năm sau cũng không thể dùng lại của năm trước, gây tốn kém.

Cũng với lý do thông tin chưa chính xác, câu chuyện về phụ huynh muốn lắp điều hòa cho con thì phải cam kết tặng lại nhà trường sau khi con học xong tiểu học, nếu không tặng thì không được lắp được phản ánh trên mạng xã hội gần đây nhận được sự quan tâm của nhiều người. Sau đó, UBND huyện Thanh Trì đã thành lập tổ công tác gồm Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Nội vụ và UBND xã Hữu Hòa để kiểm tra xác minh tại lớp 1A5, Trường Tiểu học hữu Hòa (Thanh Trì, Hà Nội). Thông tin sau đó đã được khẳng định là không chính xác, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A5 và hiệu trưởng đều khẳng định không chỉ đạo, không phát ngôn, không yêu cầu hay bắt buộc các nội dung trên và phụ huynh sau đó đã hiểu và gỡ bài đăng trên mạng xã hội.

Chỉ còn hơn khoảng 3 tuần nữa là năm học 2023-2024 chính thức bắt đầu. Hàng loạt các khoản phải chi như đồng phục, tiền bảo hiểm y tế, ăn bán trú (nếu có nhu cầu); sinh hoạt các câu lạc bộ như cờ vua, cờ tướng, múa, võ, mỹ thuật, tiền điều hòa, nước uống, vệ sinh, chăm sóc bán trú… là nỗi lo của không ít phụ huynh.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho biết, đã có những trường hợp phải lĩnh án tù vì công tác thu chi trong trường học sai quy định. Các nhà trường cần quán triệt ngay từ đầu năm học để tránh sự việc xảy ra rồi mới nói không biết, không chỉ đạo là sai. Chẳng hạn, hiện nay không có mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh, nhưng đã có quy định các mức khoản phí mà Ban phụ huynh không được thu tại Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT. Các nhà trường cần phổ biến để phụ huynh được biết về những điều đó, nhưng hầu hết đều không làm vậy khiến Ban phụ huynh “hồn nhiên” thu những khoản tiền trái quy định mà nhà trường vẫn “vô tội”.

Ông Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Hà Nội) nhìn nhận, sở dĩ chuyện thu chi luôn gây bức xúc cho phụ huynh học sinh và luôn “nóng” trên các diễn đàn bởi nhiều cơ sở giáo dục không làm đúng quy định, gây mất niềm tin của phụ huynh với nhà trường. Vì vậy, ông Cường cho rằng, nếu các cơ sở giáo dục thực hiện mọi khoản thu chi theo đúng quy định, phụ huynh học sinh được quyền giám sát thì những chuyện thu chi sẽ không còn gây ồn ào nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để không đến hẹn lại… lạm thu