Văn hóa

Để nghệ thuật truyền thống tiếp tục thăng hoa

Việt Hà 11/07/2025 08:45

Từ ngày 1/7, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam chính thức hợp nhất thành một đơn vị mới mang tên Nhà hát Sân khấu truyền thống quốc gia Việt Nam. Việc hợp nhất 3 nhà hát chắc chắn sẽ tạo ra những thách thức không nhỏ, nhưng cũng chính là cơ hội lớn để sân khấu truyền thống thăng hoa, để những nghệ sĩ tài năng sẽ không chỉ sống ổn mà sống dư dả bằng nghề…

Những đêm diễn đầy cảm xúc

Cuối tháng 6 vừa qua, Nhà hát Chèo Việt Nam đã có hai đêm diễn vở chèo cổ “Xúy Vân” đầy thăng hoa nhưng cũng thật nhiều cảm xúc. Hai đêm diễn với gần 1.000 khán giả, chật kín khán phòng của Nhà hát tại 71 Kim Mã, Hà Nội.

Đặc biệt, trong hàng ghế khán giả, có nhiều người trẻ và cả những vị khách nước ngoài. Mọi người đến để thưởng thức một trong những tác phẩm đặc sắc của nghệ thuật chèo truyền thống, trong một không gian mang tên Nhà hát Chèo Việt Nam.

TS.NSND Lê Tuấn Cường - Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Chèo Việt Nam chia sẻ, hai đêm diễn “Xúy Vân” đã đánh dấu chặng cuối cùng khép lại hành trình của tên gọi “Nhà hát Chèo Việt Nam” để mở ra một chặng đường mới. “Ngồi dưới hàng ghế khán giả tôi sự xúc động khi chứng kiến tình yêu mọi người dành cho Chèo, cho nghệ thuật truyền thống của ông cha”.

Theo NSND Tuấn Cường, đây không chỉ là buổi diễn mà còn là lời tri ân sâu sắc mà Nhà hát Chèo Việt Nam muốn gửi tới tất cả những khán giả thân yêu - những người đã luôn yêu thương, dõi theo và đồng hành và cổ vũ cho Nhà hát nói chung cũng như các nghệ sĩ nói riêng trong suốt thời gian qua.

Bai chinh ngay 10-7 (1)
Vở diễn “Xúy Vân” tối 29/6 tại Nhà hát Chèo Việt Nam.

Có thể nói, trước thời điểm sáp nhập, ba nhà hát truyền thống tuồng - chèo - cải lương đã nỗ lực giữ lửa sân khấu bằng nhiều vở diễn đặc sắc. Trước vở “Xúy Vân”, Nhà hát Chèo Việt Nam liên tiếp công diễn các vở cổ kinh điển như “Trương Viên”, “Quan âm Thị Kính”, “Bắc Lệ đền thiêng”, “Dây tràng hạt diệu kỳ”… vở diễn nào cũng đều bán vé rất tốt, cho thấy nghệ thuật truyền thống vẫn có một sức hấp dẫn đặc biệt trong lòng khán giả.

Trong khi đó, Nhà hát Tuồng Việt Nam tiếp tục giới thiệu những vở tuồng truyền thống mang đậm dấu ấn lịch sử. Hiện mỗi tuần, Nhà hát có 1-2 đêm diễn (thường kín ghế) ở rạp Hồng Hà. Theo lời ông Hoàng Văn Long - Quyền Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam, nhiều năm trở lại đây, nhà hát đã có những khởi sắc về suất diễn, thu hút được nhiều khán giả đến rạp, nhận thêm các show diễn... nên đời sống của các nghệ sĩ đã có sự cải thiện đáng kể. Mới đây nhất nhà hát đã có thưởng 6 tháng đầu năm…

Nhà hát Cải lương Việt Nam thời gian qua cũng tập trung biểu diễn và phục dựng các vở nổi tiếng, mang đến cho khán giả những câu chuyện giàu cảm xúc và chiều sâu nhân văn. Những nỗ lực ấy không chỉ thể hiện tinh thần bảo tồn mà mong muốn quảng bá những nét hay, nét đẹp của nghệ thuật cải lương Việt Nam tới các tầng lớp khán giả trong nước và quốc tế, đặc biệt là khán giả trẻ, nhằm bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam.

Có một điểm chung là cả ba nhà hát đều hướng tới khán giả trẻ và tận dụng tối đa công nghệ 4.0. Tuồng, chèo, cải lương đã bắt kịp xu hướng của mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube… Nhờ thế các bạn trẻ đã dần quan tâm hơn, thậm chí chủ động mua vé đến rạp để thưởng thức. Nói như NSND Tuấn Cường, bây giờ là thời công nghệ là 4.0, một cú nhấp chuột là thế giới biết đến chèo, vậy tại sao chúng ta không tận dụng để quảng bá cái hay, cái đẹp, cái tinh túy của môn nghệ thuật này.

Tại sao phải lo?

Theo quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 24/6/2025, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam và Nhà hát Tuồng Việt Nam hợp nhất thành Nhà hát Sân khấu truyền thống quốc gia Việt Nam, hoàn thành trước ngày 1/8.

Chủ trương tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại tổ chức nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động là cần thiết. Tuy nhiên, một số ý kiến băn khoăn, ba Nhà hát với ba bản sắc nghệ thuật riêng khi về chung một mái nhà làm thế nào để giữ trọn vẹn và tiếp tục phát huy thế mạnh đặc trưng từng loại hình?

bai chinh - anh khan gia
Hai đêm diễn vở “Xúy Vân” của Nhà hát Chèo Việt Nam chật kín khán giả.

NSND Lê Tuấn Cường - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho rằng, việc hợp nhất 3 Nhà hát là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với tinh thần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động, đúng định hướng của Đảng và Nhà nước.

Về một số ý kiến băn khoăn, lo lắng khi sáp nhập ba Nhà hát thì bản sắc riêng của từng loại hình dần mai một. NSND Tuấn Cường thẳng thắn: Tại sao lại phải lo mai một bản sắc của từng loại hình nhỉ? Mỗi loại hình nghệ thuật có một thế mạnh riêng và sẽ không có chuyện bị lu mờ bản sắc hay giảm chất lượng chuyên môn sau hợp nhất.

“Tuồng, chèo đều có lịch sử cả nghìn năm, cải lương cũng đã hơn một trăm năm. Từng đó năm trường tồn đã chứng minh giá trị của từng loại hình nghệ thuật nên không thể nói loại hình nào sẽ mai một sau khi hợp nhất, Tuồng, chèo hay cải lương bao năm nay đã có chỗ đứng riêng trong lòng khán giả rồi” - NSND Lê Tuấn Cường chia sẻ.

Ông Cường cho rằng, chia tay với tên gọi của Nhà hát Chèo Việt Nam có tuổi đời lên tới 74 năm, anh em nghệ sĩ của nhà hát chắc chắn sẽ có những bùi ngùi, xúc động. Tuy nhiên, thách thức sẽ tạo nên cơ hội, các nghệ sĩ tiếp tục thăng hoa trên sân khấu, tạo nên những tác phẩm hay để khẳng định giá trị của môn nghệ thuật mình đang theo đuổi. Nếu mỗi người nghệ sĩ tiếp tục làm tốt vai trò của một đại sứ văn hóa truyền thống thì chắc chắn khán giả sẽ yêu và tìm đến chúng ta nhiều hơn.

Còn theo NSND Triệu Trung Kiên - Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, việc hợp nhất, sắp xếp lại 3 nhà hát tạo cơ hội để rà soát, sàng lọc, giữ lại những người thực sự có năng lực, nhiệt huyết và yêu nghề. Tinh gọn để nâng cao chất lượng, chèo, tuồng, cải lương vừa cùng gìn giữ giá trị đặc sắc của từng loại hình vừa sẽ cùng nhau tạo nên giá trị mới, mạnh mẽ hơn.

Quyền Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam thì cho rằng, việc sáp nhập 3 nhà hát không chỉ là bước ngoặt lớn về việc cơ cấu lại cách vận hành, tập trung dồn lực cho văn hóa truyền thống mà còn là cơ hội lớn để cả 3 lĩnh vực được sắp xếp, tinh gọn, hợp lực để phát triển trong thời gian tới.

Có thể nói việc sáp nhập 3 Nhà hát Tuồng, Chèo, Cải lương thành Nhà hát Sân khấu truyền thống quốc gia Việt Nam sẽ giúp bộ máy quản lý trở nên tinh, gọn, mạnh đồng thời mở ra cơ hội mới cho sân khấu truyền thống trong thời gian tới. Việc hợp nhất tổ chức sẽ giúp tránh chồng chéo về chức năng, tiết kiệm chi phí hành chính, đồng thời tạo ra một thiết chế văn hóa đủ mạnh để thực hiện các dự án nghệ thuật quy mô lớn, có sức lan tỏa hơn, đưa nghệ thuật truyền thống ngày càng thăng hoa trong đời sống đương đại.

Ý kiến của một số chuyên gia và các nghệ sĩ cũng kỳ vọng, dù chung một đơn vị, nhưng bản sắc của từng loại hình tuồng, chèo hay cải lương sẽ vẫn được giữ gìn, phát huy theo hướng chuyên sâu, có định hướng rõ ràng. Cùng với đó là một cơ chế mở, linh hoạt hơn trong đặt hàng, biểu diễn, đầu tư sáng tạo, để nghệ sĩ được tiếp thêm động lực cống hiến, khán giả được tiếp cận nhiều hơn với tinh hoa sân khấu dân tộc.

Theo quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 24/6/2025, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam và Nhà hát Tuồng Việt Nam hợp nhất thành Nhà hát Sân khấu truyền thống quốc gia Việt Nam, hoàn thành trước ngày 1/8. Lãnh đạo các Nhà hát đều khẳng định việc hợp nhất sẽ tạo ra bộ máy tinh - gọn - mạnh, đưa nghệ thuật truyền thống phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để nghệ thuật truyền thống tiếp tục thăng hoa