Đề nghị bác kháng cáo án chung thân của Nguyễn Thái Luyện

LÊ ANH 16/05/2023 06:00

Ngày 15/5, Tòa án nhân dân (TAND) cấp cao tại TPHCM tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền liên quan đến kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thái Luyện - cựu Chủ tịch Công ty CP Địa ốc Alibaba và các đồng phạm.

Các bị cáo tại tòa phúc thẩm.

Tại tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TPHCM (VKS) đã đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) cấp phúc thẩm bác kháng cáo và tuyên y án sơ thẩm chung thân đối với bị cáo Nguyễn Thái Luyện. Đồng thời, VKS cũng đề nghị bác kháng cáo của bị cáo Võ Thị Thanh Mai (án sơ thẩm 30 năm tù) về các tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “rửa tiền”.

Đại diện VKS cho rằng, bị cáo Nguyễn Thái Luyện phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án, khi chỉ đạo các đồng phạm bán các thửa đất không có đầy đủ pháp lý cho hàng nghìn khách hàng, gây hậu quả đặc biệt lớn là gần 2.500 tỷ đồng. Tính đến thời điểm xét xử, kết quả định giá thể hiện tài sản của bị cáo Luyện chỉ còn 1.600 tỷ đồng, do đó thiệt hại cần khắc phục còn lại lên đến hơn 800 tỷ đồng.

Theo đại diện VKS, cấp sơ thẩm tuyên hình phạt chung thân là tương xứng với tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo Nguyễn Thái Luyện. Đối với bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ bị cáo Luyện) là người giúp sức tích cực cho bị cáo Luyện, đồng thời cũng chưa khắc phục hết thiệt hại của vụ án, số tiền còn lại cần khắc phục rất lớn. Bị cáo này cũng chưa nộp số tiền 12 tỷ đồng liên quan đến tội “rửa tiền” nên VKS cho rằng không có cơ sở để giảm nhẹ hình phạt.

Cũng tại tòa, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho nhóm bị cáo đã tự nguyện khắc phục một phần thiệt hại của vụ án, với mức giảm nhẹ từ 1-3 năm tù giam so với án sơ thẩm. Đối với 3 bị cáo đã rút đơn kháng cáo trước phiên xét xử phúc thẩm, VKS đề nghị đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với các bị cáo này.

Về trách nhiệm dân sự, đại diện VKS đề nghị HĐXX phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của hơn 30 bị hại yêu cầu tăng mức bồi thường so với bản án sơ thẩm đã tuyên. Đồng thời, đề nghị bác kháng cáo của nhóm bị hại yêu cầu nhận đất và tính lãi suất trên phần tài sản mà các bị cáo đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Lý do được đại diện VKS giải thích, án sơ thẩm đã buộc các bị cáo bồi thường bằng tiền cho khách hàng và các bị hại nên không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu bồi thường bằng giao đất. Hơn nữa, hầu hết các dự án “ma” của Công ty CP Địa ốc Alibaba đều do bị cáo Luyện cầm đầu cùng đồng phạm vẽ ra, hoàn toàn không có cơ sở pháp lý để tách thửa theo quy định nên không có cơ sở để giải quyết các kháng cáo này.

Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Thái Luyện được xác định vai trò cầm đầu, chỉ đạo xuyên suốt toàn bộ quá trình hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Công ty CP Địa ốc Alibaba. Bằng việc lập ra 22 pháp nhân là các công ty con trực thuộc đứng tên chủ đầu tư công ty Alibaba để lập ra 58 dự án “ma”. Sau đó, bằng thủ đoạn hứa cam kết mua lại nền đất với giá cao hơn từ 30% (sau 12 tháng) hoặc 38% (sau 15 tháng) kể từ ngày nộp tiền, bị cáo Luyện và các đồng phạm đã lừa đảo chiếm đoạt của hơn 4.500 bị hại, với số tiền lên đến hơn 2.500 tỷ đồng.

Bản án sơ thẩm vào tháng 12/2022 của TAND TPHCM đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thái Luyện mức án chung thân về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 30 năm tù đối với bị cáo Võ Thị Thanh Mai về các tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “rửa tiền”. 2 bị cáo đồng phạm (em ruột của bị cáo Nguyễn Thái Luyện) là Nguyễn Thái Lĩnh và Nguyễn Thái Lực bị phạt lần lượt các mức án là 17 và 27 năm tù. Các bị cáo bị buộc liên đới bồi thường toàn bộ số tiền gần 2.500 tỷ đồng cho các bị hại trong vụ án này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đề nghị bác kháng cáo án chung thân của Nguyễn Thái Luyện