Ngày 28/6, phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án sai phạm xảy ra tại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi diễn ra sau khi các bị cáo có đơn kháng cáo.
VKS đề nghị bác kháng cáo của các bị cáo
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) cấp cao tại Hà Nội đã trình bày quan điểm giải quyết vụ án trong phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với 19 bị cáo và các bên có quyền lợi nghĩa vụ liên quan kháng cáo trong vụ án sai phạm tại Dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.
Trước đó, 19 bị cáo đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt hoặc xin hưởng án treo và kháng cáo đề nghị hủy bỏ lệnh kê biên tài sản. Các bị cáo mong cấp phúc thẩm xem xét, đánh giá những tình tiết liên quan đến hoàn cảnh gia đình, tự nguyện nộp tiền khắc phục hậu quả...
Tuy nhiên, phía VKS đề nghị bác toàn bộ các kháng cáo của 19 bị cáo và các bị đơn dân sự.
Theo quan điểm của đại diện VKS, các bị cáo là những người tham gia thi công, mỗi người chịu trách nhiệm từng khâu, từng giai đoạn của dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Thế nhưng, các bị cáo đã không thực hiện đúng quy định của Nhà nước và của chủ đầu tư, gây thiệt hại hơn 811 tỷ đồng. Trách nhiệm để xảy ra sai phạm thuộc về chủ đầu tư, Ban quản lý dự án và các nhà thầu liên quan.
Theo nhận định của đại diện VKS, trong quá trình tố tụng các bị cáo cơ bản khai nhận, ăn năn hối cải, có nhân thân tốt, lần đầu phạm tội, không có tư lợi cá nhân. Tuy nhiên hành vi của các bị cáo không tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn chất lượng nên dẫn đến hậu quả của vụ án.
Đối với nhóm các bị cáo là quản lý dự án, VKS cho rằng, các bị cáo Hoàng Việt Hưng, Giám đốc Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, Lê Nhiều, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tích cực hợp tác cơ quan điều tra trong quá trình tố tụng, có nộp bồi thường thiệt hại, có văn bản xin giảm hình phạt, có cung cấp tài liệu gia đình có công cách mạng,...
Mặc dù vậy, với vai trò quản lý dự án, tính nguy hiểm của hành vi của các bị cáo nên hình phạt Tòa sơ thẩm tuyên là phù hợp, không có căn cứ để giảm.
Đối với các bị cáo thuộc nhóm nhà thầu thi công, các bị cáo này có những sai phạm trong quá trình thi công, không đảm bảo quy trình tiêu chuẩn, vật liệu, giám định chất lượng,... Trong quá trình tố tụng, các bị cáo đã có bồi thường nhưng không đáng kể so với thiệt hại gây ra; hình phạt đã tương xứng với hành vi, nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt hoặc cho hưởng án treo .
Đối với các bị cáo thuộc các nhà thầu tư vấn giám sát, phía VKS cho rằng, các bị cáo là những giám sát viên vật liệu, phòng thí nghiệm, hiện trường,... nhưng không đảm bảo quy trình, yêu cầu kỹ thuật, chất lượng,... mặc dù bồi thường nhưng không đáng kể so với thiệt hại gây ra.
Các bị đơn trong vụ án là các công ty, nhà thầu cũng chưa nộp thêm khoản tiền nào để liên đới bồi thường thiệt hại cùng các bị cáo. Vì vậy, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt hoặc cho hưởng án treo.
Ngoài ra, VKS cũng đề nghị không chấp nhận kháng cáo của các bị đơn dân sự trong vụ án là các Tổng công ty, nhà thầu xây dựng.
Tranh cãi về bồi thường
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Công ty Cienco1 cho rằng, phán quyết buộc công ty phải bồi thường cho chủ đầu tư hơn 132 tỷ đồng liên quan đến gói thầu số 1,7 của tòa án cấp sơ thẩm ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của công ty.
Đại diện của Cienco1 cho biết, quá trình điều tra, xét xử không có việc giám định thiệt hại, chỉ căn cứ vào số tiền chủ đầu tư thanh toán cho nhà thầu và coi đó là số tiền thiệt hại là không thỏa đáng.
Về việc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) là chủ đầu tư yêu cầu các nhà thầu sửa chữa, duy tu, khắc phục mọi thiếu sót, khiếm khuyết của dự án, Cienco 1 chấp nhận vì cho rằng bản chất đây là sự đồng thuận về phương thức bồi thường và yêu cầu này không trái pháp luật, không trái đạo đức thì cần được ghi nhận.
Trong khi đó, phía Tổng công ty Sông Đà đề nghị tòa miễn trách nhiệm bồi thường dân sự để đàm phán, giải quyết theo điều khoản hợp đồng với VEC. Doanh nghiệp này cho biết đã chuyển 17 tỷ đồng vào tài khoản của VEC.
Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư, tổng chiều dài gần 140km, trong đó giai đoạn 1 của dự án dài 65km từ TP Đà Nẵng tới TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam). Giai đoạn 2 dài hơn 74km. Dự án được khởi công năm 2013 và từ tháng 9/2018 đã đưa vào sử dụng 65km của giai đoạn 1. Mặc dù mới đưa vào khai thác nhưng đoạn đường 65km đã xảy ra rất nhiều điểm hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận hành khai thác, an toàn khi tham gia giao thông. Chất lượng công trình xây dựng thuộc giai đoạn I của dự án không đảm bảo chất lượng đúng như tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án. Giá trị các hạng mục công trình xây dựng không đảm bảo nhưng chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đã nghiệm thu và thanh toán số tiền hơn 811 tỷ đồng cho các đơn vị thi công dự án. |