Quốc hội

Đề nghị Chính phủ “đánh giá đầy đủ hơn về những khó khăn của doanh nghiệp”

Việt Thắng 29/05/2024 09:57

Lần đầu tiên trong 5 năm qua, số doanh nghiệp gia nhập thị trường những tháng đầu năm thấp hơn so với lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Ngày 29/5, Quốc hội thảo luận cả ngày về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.

290520240844-z5486321484490_dce749d960b635bc546c9a91c90c564e.jpg
Ông Nguyễn Văn Thi phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

Phát biểu tại hội trường, ĐB Nguyễn Văn Thi (Đoàn Bắc Giang) cho rằng, hoạt động của doanh nghiệp và thu hút vốn đầu tư khu vực tư nhân của nền kinh tế còn hạn chế. Vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước năm 2023 chỉ bằng 1/5 mức tăng giai đoạn 2015-2019, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và giải thể tăng cao so với năm 2022. Lần đầu tiên trong 5 năm qua, số doanh nghiệp gia nhập thị trường những tháng đầu năm thấp hơn so với lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Đây cũng là yếu tố tác động hết sức tiêu cực đến nền kinh tế. Do đó đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ hơn về những khó khăn của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân và có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới.

Mặc dù lãi suất vốn vay của các ngân hàng đã giảm nhưng doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn không hấp thụ được vốn tín dụng. Đề nghị Chính phủ có giải pháp đồng bộ để khơi thông nguồn vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng.

Liên quan đến vấn đề an ninh trật tự xã hội, ông Thi chỉ rõ: Vấn đề phòng cháy chữa cháy nói chung, đặc biệt đối với chung cư mi ni, căn hộ cho thuê gióng lên hồi chuông về thực hiện các quy định về phòng cháy chữa cháy. Các vụ lừa đảo trên không gian mạng, các vụ lừa đảo thông qua điện thoại gắn liền với quản lý rim rác đã được nhiều ĐBQH nhắc tới nhưng thời gian qua vẫn có dấu hiệu gia tăng. Các vụ ngộ độc thực phẩm trong các bếp ăn tập thể xảy ra liên tục trong thời gian qua khiến hàng trăm người phải nhập viện.

“Nguyên nhân là do thể chế hay do buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng. Đề nghị Chính phủ cần đánh giá rõ hơn để có giải pháp quản lý chặt chẽ hơn trong thời gian tới”, ông Thi nói.

290520240855-z5486335183193_2b22e93c52c23c29c1c1d3e489782fe3.jpg
Ông Hoàng Quốc Khánh phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

Theo ĐB Hoàng Quốc Khánh (Đoàn Lai Châu), để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% đã đề ra trong năm nay thì việc tạo điều kiện để các doanh nghiệp ổn định, đầu tư phát triển là yếu tố hết sức quan trọng, trong đó vấn đề tạo dựng niềm tin của doanh nghiệp trong thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cần phải được quan tâm trên hết.

Ông Khánh đề nghị, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đảm bảo công khai, minh bạch và tăng cường thanh tra kiểm tra khâu này. Hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn cho doanh nghiệp, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

“Đề nghị các cơ quan tư pháp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố xét xử các vụ án kinh tế đã thụ lý trong thời gian qua. Đồng thời tiếp tục chia sẻ thông điệp đã được người đứng đầu Chính phủ gửi đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư đó là: “Chúng ta không hình sự hóa các quan hệ dân sự, các hoạt động kinh tế” để tạo dựng niềm tin cho doanh nghiệp tiếp tục đầu tư phát triển”-ông Khánh cho hay.

Trước đó, báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội những tháng đầu năm 2024 vào ngày 20/5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng chỉ rõ, Sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn cao, nhất là trong kiểm soát lạm phát, điều hành lãi suất, tỷ giá; tăng trưởng tín dụng còn thấp.

Tính đến ngày 23/4/2024, dư nợ tín dụng tăng 1,6% so với cuối năm 2023 (cùng thời điểm năm 2023 tăng 2,66%). Giá vàng thế giới và trong nước biến động mạnh. Tăng trưởng kinh tế mặc dù đạt kết quả khá nhưng còn đối mặt với nhiều thách thức. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân gặp nhiều khó khăn. Trong 4 tháng đầu năm, cả nước có gần 86,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 12,2% so với cùng kỳ.

Sản xuất công nghiệp phục hồi còn chậm. Sản xuất nông nghiệp, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long gặp nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài và nặng nề hơn. Thị trường bất động sản phục hồi chậm, tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng chưa đạt yêu cầu. Các ngân hàng thương mại đã cam kết tín dụng cho 15 dự án nhà ở xã hội với số tiền cam kết khoảng 7 nghìn tỷ đồng; mới giải ngân cho 12 dự án với tổng số tiền 956 tỷ đồng.

Tiến độ một số dự án cao tốc, giao thông trọng điểm, giải phóng mặt bằng còn chậm. Một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính còn chồng chéo, rườm rà, chậm được sửa đổi. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn. Thiên tai, dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm, cháy rừng, tai nạn lao động, tai nạn giao thông, tội phạm ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao còn diễn biến phức tạp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đề nghị Chính phủ “đánh giá đầy đủ hơn về những khó khăn của doanh nghiệp”