Đoàn khảo cổ đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét và cho phép Bảo tàng tỉnh di dời và phục dựng lại ngôi mộ còn nguyên vẹn tại phường Mạo Khê để bảo tồn, phát huy giá trị tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh.
Ngôi mộ cổ gạch vẫn còn nguyên cấu trúc mặc dù đã có dấu hiệu bị xâm hại nhiều lần.
Sáng 8/12, Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh và Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH-NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã phối hợp tiến hành báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ mộ gạch tại phường Mạo Khê, TX Đông Triều (Quảng Ninh).
Sau khi phát hiện 2 mộ gạch trong quá trình thi công xây dựng bờ kè đá bao quanh mặt trước của Trường Mầm non Sao Mai, tại khu Vĩnh Xuân, phường Mạo Khê, TX Đông Triều, được sự đồng ý của UBND tỉnh Quảng Ninh, Bảo tàng tỉnh phối hợp với Trường ĐH KHXH-NV Hà Nội đã phối hợp tiến hành khai quật khảo cổ các mộ gạch này từ ngày 27/11, trên diện tích 40m2.
Qua điều tra cho thấy, 2 ngôi mộ đều đã bị phá huỷ ít nhiều. Dựa trên phân tích địa tầng, cấu trúc mộ và di vật thu được, đoàn sơ bộ nhận định 2 ngôi mộ đã được chôn cùng 1 khu vực và tạo thành 1 gò mộ lớn.
2 ngôi mộ có kích thước vừa phải, thuộc nhóm mộ đơn táng có tiền thất và hậu thất trong số 7 loại hình mộ của 34 ngôi mộ đã từng được khai quật tại Mạo Khê năm 1972.
Căn cứ theo quy mô to lớn của gò mộ, cấu trúc tường đơn của hầm mộ, gạch kích thước khá lớn với hoa văn duy nhất là ô trám lồng cùng những đồ tuỳ táng trong mộ... có thể thấy đây là những ngôi mộ có niên đại thuộc thời kỳ Đông Hán, thế kỷ I-III sau Công nguyên.
Do không thấy dấu vết của quan tài, đinh đóng quan tài cũng như xương cốt người chết nên không thể bàn luận về chủ nhân ngôi mộ. Tuy nhiên, những ngôi mộ gạch kiểu này phát hiện ở miền Bắc Việt Nam kèm theo đồ tuỳ táng và tâm thức về thế giới thứ 2 cho thấy chủ nhân có thể là người Hán sang ở tại Việt Nam, cũng có thể là người Việt.
Tư liệu khai quật lần này đã tiếp tục củng cố nhận thức chứng tỏ ngay từ những thế kỷ đầu công nguyên, vùng đất này đã trở thành một trong những điểm hội cư lớn.
Mặc dù không có nhiều di vật quý nhưng cấu trúc nguyên vẹn của 1 trong 2 ngôi mộ rất có ý nghĩa trong trưng bày bảo tàng. Vì vậy đoàn khảo cổ đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét và cho phép Bảo tàng tỉnh di dời và phục dựng lại ngôi mộ này để bảo tồn, phát huy giá trị tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh.
Tham gia tại đây, ý kiến của các đại biểu cũng đã thống nhất về việc kiến nghị tỉnh cho phép hoá giải ngôi mộ có cấu trúc còn nguyên vẹn, chuyển về Bảo tàng, nhằm đảm bảo công tác bảo tồn di sản cũng như hoạt động bình thường của Trường Mầm non Sao Mai sau này.
Với ngôi mộ thứ 2, bởi ngôi mộ này có chiều dài nằm sâu vào phía trường mầm non, đề nghị bảo tồn tại chỗ hoặc tiếp tục khảo cổ để di dời trong thời gian tới đây.