Mới đây, trong góp ý về dự thảo luật, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng, nên bỏ quy định sau 1 năm mới cho nhận bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần. Lý do theo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, tình trạng “bán non sổ BHXH” cũng như tín dụng đen vừa qua cũng xuất phát từ quy định sau khi nghỉ việc 1 năm mới được rút BHXH một lần.
Trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi mới nhất, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tiếp tục giữ nguyên quy định về thời gian nhận BHXH một lần. Cụ thể, người lao động sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện mới được nhận BHXH một lần. Theo đó dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang đưa ra 2 phương án về BHXH một lần của người lao động, trong đó phương án 1 giữ nguyên như quy định hiện hành của Luật BHXH 2014 và Nghị quyết số 93/2015/QH13 của Quốc hội; Phương án 2 quy định: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Với phương án 2, đại diện công đoàn đề xuất cần phải nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, bởi việc điều chỉnh này rất nhạy cảm. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động mà còn làm ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội, mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong thực hiện an sinh xã hội. Theo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, rút thời gian chờ rút BHXH 1 lần xuống còn 3 tháng là phù hợp.
Đề xuất này đã nhận được sự đồng thuận từ phía người lao động. Chia sẻ quan điểm về rút ngắn thời gian chờ rút BHXH 1 lần, anh Nguyễn Đức Nam - công nhân khu công nghiệp Bá Thiện 1, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc cho rằng, bất đắc dĩ người lao động mới chọn giải pháp rút BHXH 1 lần để trang trải cuộc sống trước mắt hoặc muốn có chút vốn chuyển đổi sản xuất tạo việc làm mới sau khi nghỉ việc. Tuy nhiên thời hạn sau 1 năm mới được lĩnh BHXH 1 lần quá lâu, nhiều người lao động đã không chờ được và buộc phải bán sổ BHXH cho bên “cò”, trung gian. Điều này vô tình làm ảnh hưởng quyền lợi của người lao động cũng như tạo ra tệ nạn xấu cho xã hội.
Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, trong giai đoạn 2016 - 2021, cả nước có hơn 4 triệu người lao động đề nghị và được giải quyết hưởng BHXH một lần. Như vậy, bình quân mỗi năm có gần 700.000 người hưởng BHXH một lần, số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước, với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 11,6%.
Số liệu thống kê cho thấy, những người hưởng chế độ BHXH một lần tập trung ở độ tuổi từ 20 đến 40, chiếm 77,5% số lượt người hưởng. Hầu hết lao động trẻ quan tâm nhiều đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già.
BHXH Việt Nam cũng nêu quan điểm, quy định chi trả BHXH một lần sau 1 năm nghỉ việc không có tác dụng ngăn tình trạng nhận BHXH một lần. Trái lại, việc phải chờ đợi phát sinh tình trạng thu gom sổ BHXH dưới hình thức ủy quyền nhận BHXH một lần, ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động, gây mất trật tự an toàn xã hội khi phát sinh tranh chấp. Do vậy BHXH Việt Nam đề xuất bỏ luôn quy định trên.
Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cũng cho rằng, bất đắc dĩ thì người lao động mới cần rút BHXH một lần. Khi đó, người lao động rất cần được giải quyết kịp thời chế độ này, nếu phải chờ 1 năm thì có thể làm tăng các nguy cơ cho người lao động: Phải bán sổ BHXH, vay nặng lãi… Vì vậy, cần giảm thời gian chờ được rút BHXH một lần so với quy định sau nghỉ việc 12 tháng như hiện nay.
Cũng theo ông Quảng, quan điểm chung là chính sách pháp luật cần phải tăng quyền lợi cho người lao động khi họ ở lại trong hệ thống BHXH, để họ cân nhắc, không có tư tưởng rút BHXH một lần. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện môi trường ổn định, bền vững cho người lao động; tăng cường tuyên truyền cho người lao động thấy được vai trò, tác dụng của chính sách BHXH lâu dài.