Đề nghị giao Bộ GDĐT biên soạn một bộ sách giáo khoa

Dung Hòa 23/09/2023 08:30

Tại Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 (do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ ra nhiều bất cập trong việc biên soạn sách giáo khoa (SGK) theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 và đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương tiếp tục thực hiện quy định của Nghị quyết số 88 về việc giao Bộ GDĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK.

Theo Nghị quyết 686, chương trình GDPT mới ban hành chậm 30 tháng so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Bộ máy chỉ đạo, tổ chức chưa hợp lý về cơ cấu, thành phần, số lượng.

Nghị quyết 686 cũng chỉ ra, việc biên soạn, thực nghiệm SGK còn nhiều bất cập. Bộ GDĐT không tổ chức biên soạn được một bộ SGK theo quy định của Nghị quyết 88, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của Nhà nước, nhất là việc quản lý, cập nhật, phát triển nội dung GDPT; quản lý, điều tiết giá SGK; thực hiện chính sách xã hội hóa với một số đối tượng và địa bàn.

Việc thực nghiệm SGK chưa được coi trọng đúng mức, thời gian ngắn, chưa đảm bảo yêu cầu về quy mô và chất lượng; Việc thẩm định, tiếp thu, chỉnh sửa SGK chưa chặt chẽ, dẫn tới còn sai sót về nội dung ở 18 cuốn SGK, nhất là SGK Tiếng Việt lớp 1, Khoa học Tự nhiên lớp 6, Lịch sử lớp 11; Cung ứng, phát hành SGK còn nhiều bất cập, qua nhiều khâu trung gian. Có tình trạng khan hiếm, thiếu sách cục bộ đối với một số đầu sách trước thềm năm học mới. Việc mua SGK ngoài thị trường gặp khó khăn. Tình trạng in sách lậu, phát hành SGK giả diễn ra phức tạp. SGK mới phát hành chậm, giáo viên có ít thời gian nghiên cứu, chuẩn bị bài giảng, ảnh hưởng tới chất lượng dạy học. NXB Giáo dục Việt Nam đã xảy ra sai phạm trong in ấn, xuất bản SGK; một số tổ chức, cá nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nghị quyết nêu rõ, quy định về lựa chọn SGK tại Thông tư số 25 của Bộ GDĐT chưa chặt chẽ, dẫn tới cách thức triển khai không thống nhất giữa các địa phương, tạo ra kẽ hở để trục lợi, cạnh tranh không lành mạnh. Thời gian lựa chọn ngắn, số bản mẫu SGK nhiều nên giáo viên gặp khó khăn trong nghiên cứu, đề xuất lựa chọn. Chậm phê duyệt kết quả lựa chọn SGK, ảnh hưởng đến tiến độ cung ứng SGK.

Nghị quyết 686 chỉ rõ chương trình GDPT còn gặp một số tác nhân gây trở ngại như: Số lượng cơ sở GDPT lớn, phạm vi triển khai rộng; điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương khác nhau; nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục còn khó khăn... Hay hạn chế về yếu tố con người như nhận thức, trình độ, năng lực chuyên môn của cán bộ quản lý, giáo viên còn hạn chế; chính sách, chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo chưa hấp dẫn, khó giữ chân đội ngũ giáo viên; trình độ và khả năng tiếp thu của học sinh ở các địa bàn khác nhau có sự chênh lệch...

Từ những hạn chế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề ra hàng loạt giải pháp. Một trong những giải pháp là nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc triển khai chương trình GDPT 2018. Nhất là trong việc mua sắm trang thiết bị, tổ chức thi tốt nghiệp THPT; khẩn trương sửa chữa, khắc phục hậu quả đối với những lỗi sai trong các SGK đã phát hành; xử lý kịp thời, nghiêm minh các sai phạm; khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn về phương pháp định giá SGK; bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết giảm chi phí trung gian, giảm tỉ lệ chiết khấu xuống mức hợp lý để giảm giá SGK.

Đặc biệt, Nghị quyết 686 đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương tiếp tục thực hiện quy định của Nghị quyết 88 về việc giao Bộ GDĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK. Cùng với đó, cần nghiên cứu, xem xét cơ chế, chính sách miễn tiền bản quyền đối với việc xuất bản SGK do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu quyền tác giả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đề nghị giao Bộ GDĐT biên soạn một bộ sách giáo khoa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO