Chiều 14/11, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).
Liên quan đến vấn đề tài nguyên viễn thông (Chương VI), báo cáo tại phiên họp, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị những số thuê bao dịch vụ viễn thông cũng cần được chia ra các nhóm để đánh giá đúng giá trị, giảm thiểu trường hợp bỏ cọc khi đấu giá và giao Bộ Thông tin và truyền thông quy định chi tiết. Đề nghị giải trình các biện pháp để kiểm soát việc bỏ tiền đặt cọc tham gia đấu giá kho số viễn thông.
Ông Huy cho biết: Thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường thấy rằng, việc đánh giá để phân nhóm theo giá trị các số thuê bao có cấu trúc đặc biệt là khó khả thi vì phụ thuộc vào quan niệm của người sử dụng, vùng, miền. Việc xác định một mức giá khởi điểm cho số thuê bao thực hiện đấu giá (Điều 50) cũng như lựa chọn hình thức đấu giá trực tuyến (như trong dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đã trình Quốc hội) và theo phương thức trả giá lên (từ giá khởi điểm và theo bước giá) của Luật Đấu giá tài sản hiện hành (tương tự triển khai thí điểm đấu giá biển số xe ô tô) sẽ tạo cơ hội cho nhiều người tham gia, tạo điều kiện để xác định được chính xác giá trị số thuê bao đấu giá theo cơ chế thị trường.
Về biện pháp để kiểm soát việc người trúng đấu giá bỏ tiền đặt cọc, Thường trực Ủy ban đưa ra quan điểm. Theo đó, việc người trúng đấu giá bỏ tiền đặt cọc là một vấn đề đang xảy ra trong việc đấu giá các loại tài sản đấu giá hiện nay như đất đai, biển số xe ô tô. Luật Đấu giá tài sản năm 2016 đã quy định người trúng đấu giá có trách nhiệm thanh toán đầy đủ tiền mua tài sản đấu giá theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá (điểm b khoản 2 Điều 48). “Trường hợp bỏ tiền đặt cọc là vi phạm thoả thuận trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá và được thực hiện theo pháp luật về dân sự. Để tăng cường kiểm soát, xử lý việc bỏ tiền đặt cọc tham gia đấu giá, Thường trực Ủy ban đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan có liên quan nghiên cứu bổ sung quy định, chế tài xử lý việc bỏ tiền đặt cọc vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản đang được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6”-ông Huy cho hay.
Ông Huy cũng đánh giá rằng, dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) quy định mức giá khởi điểm phù hợp khi tham gia đấu giá để hạn chế rào cản, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham gia đấu giá. Tuy nhiên, quy định này cũng dẫn đến những rủi ro nhất định như tình trạng bỏ tiền đặt cọc. Khoản 4 Điều 48 dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết về việc đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”. Trong quá trình xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông (sửa đổi), đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu bổ sung các quy định để kiểm soát việc bỏ tiền đặt cọc như không cho tham gia đấu giá một số lần tiếp theo nếu bỏ tiền đặt cọc và các biện pháp khác mà pháp luật về đấu giá tài sản cho phép.
Từ lý do nêu trên, Thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ, và môi trường đề nghị được giữ quy định về đấu giá kho số viễn thông như trong dự thảo Luật.
Theo đánh giá của ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong dự thảo luật quy định nghĩa vụ của các nhà cung cấp dịch vụ, trung tâm dữ liệu, có tham chiếu tới những điều khác quy định về dịch vụ viễn thông truyền thống, gồm cả những quy định về đăng ký hợp đồng mẫu, quản lý giá cước dịch vụ. Quy định này còn cứng nhắc, ảnh hưởng tới sự phát triển của một số ngành giàu tiềm năng.
Ông Tuấn phân tích tiếp rằng, tại Điều 59 của dự thảo luật yêu cầu trình Bộ Thông tin và truyền thông phương án giá cước, việc xác định giá thành theo quy định, báo cáo kiểm toán phục vụ hoạt động quản lý giá cước viễn thông. “Quy định như vậy không phù hợp với các nhà cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, do bản chất dịch vụ này thường cung cấp tới các doanh nghiệp chứ không phải người tiêu dùng phổ thông như viễn thông truyền thống. Quy định như vậy đã can thiệp quá sâu vào công việc kinh doanh, cung cấp dịch vụ, làm tăng chi phí, thời gian triển khai dịch vụ”-ông Tuấn nói và đề nghị nghiên cứu kỹ để có những quy định phù hợp hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cộng đồng doanh nghiệp.