Cần áp dụng thủ tục rút gọn cho tất cả các quy hoạch bao gồm quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn để việc tổ chức thực hiện công tác quy hoạch được thông suốt, liên tục và hiệu quả.
Ngày 30/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.
Đại biểu Cầm Hà Chung, Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Phú Thọ cho rằng, báo cáo kết quả giám sát đã đánh giá toàn diện, khách quan việc triển khai thực hiện Luật Quy hoạch của Chính phủ.
Theo đánh giá của ông Chung, báo cáo đã chỉ ra kết quả chủ yếu đạt được trong thực hiện Luật Quy hoạch; đồng thời chỉ ra những hạn chế trong triển khai các quy định của pháp luật về quy hoạch, hạn chế trong thực thi pháp luật về quy hoạch và nguyên nhân khách quan, chủ quan của những hạn chế, khó khăn, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan từ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đến các Bộ, ngành và địa phương.
Nhất trí với đề xuất của đoàn giám sát đối với các giải pháp trong dài hạn như sửa đổi, bổ sung các luật, tạo sự đồng bộ về trình tự, cấp độ, tính chất, thẩm quyền, đảm bảo hiệu quả trong công tác quản lý, song ông Chung đề xuất bổ sung nội dung Quốc hội giao Thủ tướng Chính phủ phân quyền điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị loại 1 cho HĐND cấp tỉnh theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định, nhất là trong chuyển mục đích sử dụng diện tích đất không quá lớn của cơ quan, tổ chức nằm xen ghép trong các khu dân cư.
Ông Chung cho rằng, khi phân quyền cho HĐND cấp tỉnh, cần thực hiện quy trình, thủ tục ra quyết định, kể cả về mặt diện tích, bề mặt quy trình, thủ tục, các quy định pháp luật có sự giám sát của HĐND các cấp thì sẽ đảm bảo thực hiện theo đúng quy trình pháp luật về quản lý đất đai.
Theo đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng), qua thực tế triển khai đã cho thấy có sự trùng lặp, chồng chéo một số nội dung giữa Luật Quy hoạch đô thị, ở nội dung quy hoạch chung với Luật Quy hoạch, ở nội dung quy hoạch tỉnh khi lập quy hoạch cho thành phố trực thuộc Trung ương.
Do đó để đảm bảo việc thống nhất mức độ nghiên cứu của từng loại quy hoạch, ông Cường đề nghị cần xem xét đồng bộ các hướng dẫn tại Nghị định số 37 năm 2019 về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch, Nghị định số 37 năm 2010 về quy định thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị, hướng dẫn việc xử lý mức độ nghiên cứu như thế nào để tránh chồng chéo cho cả hai quy hoạch này.
“Cần áp dụng thủ tục rút gọn cho tất cả các quy hoạch bao gồm quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn để việc tổ chức thực hiện công tác quy hoạch được thông suốt, liên tục và hiệu quả”-ông Cường kiến nghị.
Còn đại biểu Tạ Đình Thi (đoàn Hà Nội) cho rằng, trong Nghị định 148 có nội dung hướng dẫn các địa phương lập phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo chức năng và các loại đất đến từ các đơn vị hành chính cấp huyện.
Việc thực hiện đồng bộ với quá trình tổ chức lập quy hoạch tỉnh sẽ rút ngắn được thời gian tổ chức lập, thẩm định quy hoạch tỉnh do nội dung phương án phân bổ quỹ đất cho các ngành, lĩnh vực và địa phương, đảm bảo tuân thủ các chỉ tiêu quốc gia đã khống chế và bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội.
Trước đó, qua giám sát, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng chưa lựa chọn được tư vấn bảo đảm chất lượng, hiệu quả, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Bên cạnh đó, lập đồng thời các quy hoạch; điều chỉnh quy hoạch cấp thấp hơn thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia (trừ quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn) khi có nội dung không thống nhất với quy hoạch cấp cao hơn theo hướng không phải thực hiện quy trình lập nhiệm vụ quy hoạch; rút gọn quy trình thẩm định, phê duyệt việc điều chỉnh quy hoạch.
Đồng thời, cho phép sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để chi cho việc điều chỉnh quy hoạch trong trường hợp này.