Trong số những điểm mới cụ thể trong dự thảo Luật Nhà giáo trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu, vấn đề tăng đãi ngộ đối với nhà giáo để các thầy cô yên tâm gắn bó với nghề đang được quan tâm và kỳ vọng.
Quy định về quyền, nghĩa vụ của nhà giáo, những việc không được làm theo hướng tăng tính bảo vệ đối với nhà giáo; nhà giáo công lập là viên chức đặc biệt; giao quyền chủ động cho cơ quan quản lý ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo; quy định đầy đủ chính sách tiền lương, phụ cấp, hỗ trợ nhà giáo; tăng đãi ngộ đối với nhà giáo;... là những điểm mới cụ thể trong dự thảo Luật Nhà giáo trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu.
Trong đó, dự thảo Luật Nhà giáo đã dành riêng 1 chương (Chương V) quy định về chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo (từ Điều 27 đến Điều 31).
Cụ thể, về tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo, Điều 27 dự thảo quy định tiền lương nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập như sau: Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; Phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật. Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Về chính sách thu hút nhà giáo, Điều 29 dự thảo quy định, đối tượng hưởng chính sách thu hút gồm: Người có trình độ cao, người có tài năng, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, người có năng khiếu đặc biệt tham gia tuyển dụng làm nhà giáo. Nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Các chính sách thu hút bao gồm: Được hưởng phụ cấp và trợ cấp thu hút. Bảo đảm chỗ ở tập thể có đủ điều kiện thiết yếu hoặc được thuê nhà ở công vụ khi đến công tác tại vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ trong đào tạo, bồi dưỡng.
Các chính sách thu hút nói trên được kỳ vọng sẽ giúp nhà giáo yên tâm với nghề, nhất là nhà giáo tại vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà các chính sách hiện hành của nhà nước chưa đáp ứng được.
Các chuyên gia cho rằng, chất lượng của một nền giáo dục phụ thuộc vào một phần rất quan trọng là chất lượng đội ngũ nhà giáo. Chất lượng của nhà giáo lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ngoài sự nỗ lực của cá nhân, tinh thần học tập không ngừng nghỉ của mỗi nhà giáo, các chính sách, môi trường làm việc, các cách thức tuyển dụng và phát triển nhà giáo như thế nào đóng vai trò quan trọng.
Theo GS.TSKH Nguyễn Mậu Bành, tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nếu điều này trở thành hiện thực thì rất tuyệt vời. Trước mắt, trong điều kiện nước ta còn nhiều khó khăn, từng sự quan tâm nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn sẽ giúp nhà giáo vững tâm với nghề, gắn bó với sự nghiệp trồng người mà họ đã lựa chọn với tất cả niềm tin yêu.
Chia sẻ quan điểm, đại biểu Trần Quốc Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh bày tỏ: Dự án Luật Nhà giáo dự kiến trình Quốc hội lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 đang thu hút sự quan tâm lớn của của tri cả nước, đặc biệt là lực lượng giáo viên. Một trong những đề xuất quan trọng là quy định lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, thể hiện quan điểm giáo dục là “quốc sách hàng đầu”. Điều này được xem là phù hợp để thu hút và giữ chân các giáo viên giỏi, đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục bền vững của Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Trần Quốc Tuấn để đảm bảo khả thi, dự thảo Luật cần quy định cơ chế giám sát cụ thể cho các chính sách này, tránh tình trạng các quy định chỉ tồn tại trên văn bản mà không thực hiện được trong thực tế. Các quy định về tiền lương và phụ cấp của nhà giáo cũng cần phải rõ ràng, cụ thể hơn, như mức phụ cấp thâm niên và phụ cấp vùng miền, để đảm bảo công bằng và hiệu quả trong phân bổ ngân sách.
Hiện 1,6 triệu nhà giáo đang công tác trong các cơ sở giáo dục trên cả nước với sự đa dạng về cấp học, trình độ, nơi công tác: từ cấp mầm non đến đại học, từ đào tạo trình độ sơ cấp đến đào tạo trình độ sau đại học; từ vùng thuận lợi đến vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; từ nông thôn đến thành thị, từ vùng đồng bằng đến hải đảo, biên giới. Dự thảo Luật Nhà giáo nếu được thông qua sẽ là khung pháp lý nhất quán, có hiệu lực và hiệu quả để kiến tạo và phát triển đội ngũ nhà giáo và ngành giáo dục.