Trong truyền thuyết Hy Lạp cổ đại có ghi lại câu chuyện sau đây: Một nhà hiền triết đã đặt câu hỏi tại một cuộc thảo luận triết học: “Ở đời, cái gì dễ nhất? Ở đời, cái gì khó nhất?”.
Sau khi thảo luận rất sôi nổi và không đi đến đâu cả, kết luận sau đây của nhà Hiền triết đã trở thành một danh ngôn bất hủ cho nhiều năm về sau, đó là: “Ở đời, cái dễ nhất là gây tổn thương cho người khác. Ở đời, cái khó nhất là tự phát hiện ra được cái dốt, cái xấu của chính mình”.
Bài viết này chỉ xin đề cập đến một nội dung rất nhỏ, rất hạn chế của hai từ “dễ và khó” vì nó quá rộng, quá mênh mông trong cuộc sống hàng ngày của con người trong xã hội.
Hãy nói về cái “Dễ nhất” trước. Trong cuốn “Thánh kinh” chính thống của Thiên chúa giáo (tiếng Anh là Holy Bible để tránh nhầm lẫn với các sách giáo lý ở những thể loại khác) có phần quan trọng bậc nhất là chương “Trích dẫn các lời dạy cũng là các danh ngôn của Đại triết gia Salomon”, trong số đó có câu danh ngôn đáng chú ý sau đây: “Người uyên bác và thận trọng lúc nào cũng cần tiết chế trong câu chuyện và người thông thái chỉ nên diễn đạt tư tưởng của mình một cách dè dặt”.
Câu danh ngôn này cực kỳ đúng đắn, nên đã được trích dẫn vào nhiều sách giáo khoa từ cổ chí kim, được in, khắc, họa lên các bức tường ở nhà thờ, tu viện, trường học, thư viện lớn. Vì sao?
Vì nó quá chuẩn và đúng mãi mãi. Vì câu chuyện và diễn đạt tư tưởng là do con người phát ngôn ra bằng miệng nên phải rất thận trọng, dè dặt và tiết chế ngay cả đối với những người uyên bác, các nhà thông thái. Thế mà những người bình thường như chúng ta lại thiếu dè dặt, thiếu thận trọng trong lời ăn tiếng nói thì sao chẳng dễ làm tổn thương người khác. Những người khác ở đây có thể trực tiếp hoặc gián tiếp nhưng họ đều bị tổn thương. Hậu quả sẽ ghê gớm lắm đấy, không thể lường trước được.
Việt Nam ta cũng có nhiều câu dặn dò: “Lời nói là đọi máu”, hoặc “Lời nói sắc hơn dao kéo”, hoặc “Lời nói không mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, hoặc “Học ăn, học nói”...
Trong lời dặn của Salomon cần chú ý đến hai tình huống quan trọng là “Tiết chế trong câu chuyện” và “Diễn đạt tư tưởng của mình một cách dè dặt”. Cả hai tình huống này đều phải sử dụng đến lời nói, đến diễn đạt ngôn ngữ của cá nhân người phát ngôn.
Tinh hoa cổ học phương Đông cũng dặn dò: “Họa từ miệng mà ra” chính là để giải thích cái cơ chế: “Nếu dùng lời nói để hạ nhục người khác, làm tổn thương người khác chính là mang họa lại cho người nói”. Vì thế trước khi nói, không bao giờ, không ở đâu được phép dễ dàng phát ngôn mà phải luôn thận trọng, suy nghĩ, nghĩ được 10 thì chỉ nói ra 1 may ra mới giữ được an toàn cho bản thân.
Trái lại, những người có học hành, có giáo dục, được rèn luyện tu dưỡng từ bé, lúc nào cũng thận trọng lời nói, thì những lời nói hay, đẹp, biết yêu thương tôn trọng người khác lại là một vũ khí rất lợi hại để liên kết với xung quanh, để dễ dàng tìm bạn, kết bạn, giao du với những người khác.
Trong khi đi nghe giảng ở các khóa tu tại các ngôi chùa danh tiếng của đất nước, các học viên đều lắng nghe một cách thành kính lời dạy: “Phải làm sao có được lời nói tốt đẹp, gọi là “Ái ngữ”, phải làm sao tạo ra được các mỹ tự, các thiện ngôn trong giao tiếp hàng ngày và cứ dần dần như thế, cuộc đời ta sẽ tạo được một cái duyên lành trong đối nhân xử thế.
Nhờ có “Tịnh khẩu nghiệp chân ngôn” là các phép tu tập để luôn giữ được cái trong sạch, cái cao thượng, cái yêu thương, quyến luyến trong lời nói sử dụng hàng ngày”.
Bậc thầy của mọi thời đại về văn học và triết học, ông William Shakespeare đã dặn dò rất tỉ mỉ: “Chúng ta hãy yêu mọi người, tin vài người, đừng xúc phạm đến ai cả”. Chao ôi, cái chìa khóa quý báu mà đại văn hào người Anh đã tặng cho con người chỉ vẻn vẹn có 15 từ để thực hành trong cuộc sống mà sao khó thực hiện đến thế.
Có người sống đến 60 tuổi, tóc đã điểm bạc mới kịp hối hận vì đã không nghe lời dạy bảo này, cứ tưởng là mình hơn người này, thắng người kia, giỏi hơn cả một tập thể nên mới có kết thúc đau buồn trong vòng lao lý tội nghiệp.
Trong cái kỹ năng đối nhân xử thế cho đúng đắn, cho trọn vẹn, triết gia Ben Johnson (1573 – 1637) đã dạy tỉ mỉ hơn nữa: “Đừng tỏ ra thương xót ai, đừng tỏ ra tin ai, đừng nói xấu ai ngay trước mặt họ hoặc với người khác, cũng đừng nói tốt cho ai trước mặt hay sau lưng họ”. Sao việc xử thế ở đời lại khó thế nhỉ! Hình như những việc chúng ta đang làm có ngược hay không phù hợp với những lời khuyên của Ben Johnson?
Người bảo có, người bảo không. Thế mới biết việc đối nhân, xử thế cho hay, cho đúng khéo cả đời cũng không hiểu được cho hết, biết được cho tường tận để theo kịp với cuộc sống mỗi ngày thêm phức tạp, mỗi ngày thêm khó khăn vất vả.
Sang phần thứ hai của bài viết là nói về “cái việc khó nhất” trong đời sống một con người. Có rất nhiều ý kiến đề xuất, tranh luận, nhưng cuối cùng ai ai cũng phải công nhận “việc khó nhất” là việc tự mình phát hiện được, nhận thức ra được, ngộ ra được cái dốt nát, cái kém cỏi, cái xấu của chính mình mới thật là đáng nói, đáng giá, vì nó sẽ giúp con người giác ngộ, trưởng thành và vững vàng hơn trong cuộc sống.
Vì cái nội dung khó nhất này quá phong phú nên cũng chỉ xin trích dẫn những ý chính mà các nhà triết học tiền bối đã phân tích, đánh giá để rút ra các bài học cần thiết.
Trong cuộc sống, ai phát hiện ra được mình còn dốt nát, mình còn kém cỏi do mình chưa được học đến cái tình huống ấy, chưa gặp phải cái hoàn cảnh trớ trêu ấy, nó vượt quá sức học của mình, vượt quá sự hiểu biết của mình thì người đó sẽ tìm ra được biện pháp để khắc phục sự yếu kém của mình. Trong xã hội có rất nhiều nghề khác nhau. Người trồng lúa, người trồng hoa, người làm thợ mộc, thợ nề, người dạy học, người chữa bệnh...
Rõ ràng không thể nói nghề nào quan trọng hơn nghề nào. Chỉ có ai yêu nghề, chuyên tâm nghiên cứu, khiêm tốn học hỏi mới mong ngày một giỏi hơn, ngày một tiến bộ hơn trong nghề nghiệp của mình.
Thành ra cái dốt mà con người tự phát hiện ra được có cả nội dung “nghề nghiệp” mà mình đang theo đuổi và cái “thái độ ứng xử ”đối với xã hội của người đó. Trong phạm vi “Tâm lý học” và “Triết học ứng dụng” mà bài này muốn đề cập đến, chính là nói về nội dung “Thái độ quan trọng hơn trình độ”.
Thực tế đã chứng minh về sự thành đạt trong sự nghiệp thì việc đối nhân xử thế là cực kỳ quan trọng, đóng vai trò quyết định. Đông phương cổ học tinh hoa cũng có một nguyên lý ứng xử rất rõ ràng là: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân, hành hữu bất đắc phản cầu chư kỷ” (tạm dịch: Những điều mình không muốn, chớ làm cho người khác, nếu xẩy ra lầm lỗi phải tự xét lại mình).
Câu danh ngôn này đã tốn bao giấy mực để tranh luận, để bàn cãi, nhưng những người trưởng thành, đủ khôn ngoan trong các việc đều nhận ngay ra được rằng: Làm việc ấy rõ ràng chứng tỏ mình ích kỷ, mình làm hại người, mình luôn tìm cách để bản thân mình không bị buộc tội... đều là những suy nghĩ tiêu cực, xấu xa cần phải gạt bỏ ngay, cần phải tránh xa những ý định, những phát ngôn hay những việc làm tồi tệ đó.
Chỉ tiếc là trên thực tế, việc tự phát hiện ra được những điều tồi tệ để tránh xa, tự phát hiện ra lỗi lầm của mình thật không đơn giản chút nào. Điều này đòi hỏi việc được giáo dục, dạy bảo của gia đình và xã hội từ khi còn ấu thơ cho đến suốt cuộc đời. Kỹ năng tự phát hiện ra cái dốt, tự phát hiện ra cái xấu của cá nhân mình nếu được thực hiện sẽ có kết quả đem lại những điều hay, điều tốt cho cá nhân người đó và cho cả tập thể xã hội.
Khi nghiên cứu, học tập những gương người tốt, việc tốt ai cũng thấy rõ sự hy sinh phấn đấu gian khổ vượt qua được cái tôi bảo thủ, dốt nát, lạc hậu để có thể vượt lên được chính mình, mà tiến bộ, mà trưởng thành.
Đến đây mới thấy rõ câu ngạn ngữ cổ của người Pháp đã dạy: “Cái tôi là cái đáng ghét” thật đúng, thật chuẩn. Ai luôn nhớ được điều căn dặn ngắn gọn này như việc đánh răng rửa mặt hàng ngày thì thật đáng khen, đáng khuyến khích và lẽ dĩ nhiên, dập tắt được “cái tôi” đi thì sẽ xuất hiện nhiều cái hay, cái tốt đến với chúng ta.
Khép lại bài viết “Dễ nhất và khó nhất” rất khó mà nói ngắn gọn trong một kết luận cụ thể, chỉ biết rằng nếu ai biết hạ mình, lúc nào cũng khiêm tốn học hỏi, luôn tôn trọng người khác thì sẽ thành công trong cuộc sống. Với câu danh ngôn sau đây của triết gia Chesterfield (1694 – 1773) cũng nên tham khảo một cách thận trọng: “Nếu có thể, thì anh cứ khôn ngoan hơn người khác đi, nhưng chớ có bảo cho họ biết rằng anh khôn hơn họ”.