Để những ‘mầm chữ’ lên xanh

NGUYỄN CHUNG 18/09/2022 09:23

“Điều mà chúng tôi cũng như bà con 3 bản Phé, Bá, Mí mong muốn nhất hiện nay là có một cây cầu để các con - những “mầm chữ” được lên xanh”, cô giáo Lê Thị Dung-Hiệu trưởng Trường Mầm non Phú Xuân, điểm trường bản Phé bày tỏ.

Người dân bản cùng các giáo viên gia cố lại lớp học tranh tre cho năm học mới.

Nguy hiểm luôn rình rập

Cuối thu, núi rừng Quan Hóa bừng sáng sau những ngày mưa dài. Đoạn đường dài chỉ non dăm cây số dẫn từ trung tâm xã Phú Xuân (huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa) vào điểm trường bản Phé nhưng chúng tôi phải đi mất hơn 20 phút, phân nửa thời gian ấy là lênh đênh trên con đò máy chạy qua dòng sông Mã đang cuộn đỏ mùa mưa lũ.

Ngồi ở cuối con đò, ông Hà Văn Lâm vừa điều khiển máy vừa trầm ngâm nhìn vào từng lớp sóng xô vào mũi đò. Ông Lâm cho biết: Cơn lũ lớn xảy ra vào hồi tháng 8/2018, đã khiến cây cầu treo bắc qua sông Mã tại bản Pan (hay còn gọi cầu treo Phú Xuân) bị cuốn lật nghiêng, xoắn như vỏ đỗ treo lơ lửng ngang mặt sông, khiến người dân không thể sử dụng được. Đây là “sợi dây” duy nhất nối QL15A với bên hữu sông Mã phục vụ nhu cầu đi lại cho hơn 250 hộ dân với khoảng 1.100 nhân khẩu của các bản Phé, Bá, Mí (xã Phú Xuân). Việc cây cầu bị hư hỏng không thể sử dụng được khiến việc đi lại, giao thương, phát triển kinh tế của người dân gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là các cháu học sinh mầm non không thể ra trung tâm xã đi học. Người dân buộc phải qua sông bằng đò, nguy hiểm luôn rình rập nhất là đang trong mùa mưa bão.

Ông Lâm bảo, hàng ngày ông phải lái đò chở từ 300-400 người qua sông. Mùa khô nước sông cạn thì bình thường, nhưng mùa mưa lũ nước dâng cao đẩy thuyền tròng trành rất khó điều khiển. Việc qua sông như vậy rất nguy hiểm. “Chính quyền địa phương đã đầu tư máy nổ, xuồng, áo phao để người dân có thể qua sông an toàn, hạn chế hiểm họa. Nhưng đấy là vào mùa khô, chứ mỗi khi trời mưa lớn, nước sông cuộn xiết, tôi cũng phải ngừng chạy đò”.

Mặt trời đứng bóng, chúng tôi mới đến được bản Phé - điểm lẻ của Trường Mầm non Phú Xuân. Đây là điểm trường đang phục vụ cho gần 60 học sinh từ 18 -24 tháng tuổi. Đã gần quá trưa thế nhưng bà con và giáo viên ở đây vẫn chưa nghỉ ngơi. Người căng lại bạt, người chống lại cột kèo để mùa mưa các con không bị dột; các cô giáo thì mang bàn ghế, bát đĩa ra rửa…

Vừa buộc những mối lạt cuối cùng cho tấm liếp ở chái lớp học, ông Hà Văn Thống – một người dân trú tại bản Phé cho tôi hay: Nhiều năm trước, học sinh ở điểm lẻ này phải học tạm bằng những căn nhà tranh tre nứa lá do bà con trong bản góp vật liệu để dựng lên. Đến năm 2020, điểm trường này đã được một tổ chức từ thiện xây dựng cho 2 phòng học kiên cố. Tuy nhiên, do chiếc cầu bắc qua sông bị lũ cuốn trôi nên học sinh ở ba bản Phé, Bá, Mí đều phải học ở điểm lẻ dẫn đến quá tải. Chính quyền đã huy động bà con nhân dân góp vật liệu và công sức để dựng thêm hai phòng học tranh tre để các con theo đuổi con chữ. Bởi thế, năm nào cũng vậy cứ vào trước năm học mới, bà con cùng giáo viên cắm bản lại lên rừng chặt tre, nứa, lá cọ vận chuyển về trường để gia cố lại hai phòng học cho các con. “Năm nào nhà trường cũng tu sửa bàn, ghế và lợp lại mái tranh bằng tre. Gia đình mình không có tiền nên góp ngày công, vật liệu giúp nhà trường. Ở trường thiếu thốn nhiều thứ, phụ huynh chung tay để tiếp thêm động lực cho các cô cắm bản”, ông Thống chia sẻ.

Dẫn chúng tôi vào 2 phòng học tranh tre mới được gia cố lại - nơi có hàng chục chiếc ghế bị hư hỏng chất đống, cô Hà Thị Huých, giáo viên của điểm trường nói: Đây là những chiếc ghế đã được sử dụng lâu nay, bị mối mọt, gần như không thể sử dụng. Thế nhưng vì điều kiện khó khăn nên cô và người dân bản vẫn phải vá víu lấy cái cho các con ngồi.

“Mùa mưa giông, nước tạt tứ bề, có hôm gió lốc còn thổi bay cả mái nhà, các thầy cô lại phải nhờ dân bản chung tay dựng lại. Mùa đông thì các tấm liếp không đủ kín ngăn sương lạnh lùa vào. Nhiều hôm nhìn các con run rẩy mà thương lắm!”, giọng cô Huých rưng rưng.

Là người có thâm niên cắm bản, cô giáo Lương Thị Tâm cũng góp chuyện: “Vào những ngày mưa to, phải dồn các con vào hai phòng học kiên cố hết vì ở phòng tranh tre này rất nguy hiểm. Đặc biệt, nếu nước sông to, đò không đi được thì 4 cô giáo bên kia sông cũng phải nghỉ dạy, 2 cô giáo là người bản địa ở đây sẽ phải trông các con. Không những vậy, thức ăn không đưa bên kia sông sang được thì giáo viên lại phải góp tiền mua trứng và hái rau rừng nấu cho các con ăn”.

Điểm trường mầm non Phú Xuân - Khu Phé.

Chờ một cây cầu mới

Tạm rời câu chuyện với những cố giáo cắm bản, tôi thả bộ một vòng quanh trường. Trên mỏm đồi chênh vênh, hai phòng học kiên cố mới được xây dựng cách đây 2 năm nằm nổi bật giữa những. Những tấm liếp tre không ngăn nổi những cơn gió rừng se sắt lùa vào lớp học. Có một điều khiến tôi khá ngạc nhiên là sự ngăn nắp. Từ bếp ăn, nơi để bát đũa, chậu rửa tay đến các ngăn đựng đồ dùng học tập, mọi thứ đều được bàn tay của các cô sắp xếp một cách trật tự và nền nếp.

Cô Huých kể: Vào trước ngày khai giảng không chỉ lo sửa chữa, gia cố trường lớp, các giáo viên ở đây sẽ phải đến các nhà vận động phụ huynh đưa con đi học đúng tuổi. Dù nắng, dù mưa, dù quãng đường xa, lầy lội, các cô vẫn không quản khó nhọc. Tình yêu với các học trò đã khiến cho cho đôi chân của những giáo viên cắm bản cũng quên đi những mỏi mệt. “Ở đây, có bản Bá đường xa, không thể đi xe được, chỉ có thể đi bộ nên phụ huynh có tâm lý e ngại khi đưa trẻ ra lớp hoặc một số gia đình khó khăn vì thế trước ngày tựu trường khoảng nửa tháng là chúng tôi bắt đầu chia nhau đi đến từng nhà có con nhỏ đến tuổi đi học để vận động. Để đi hết các gia đình cũng phải mất cả tuần. Nếu gặp trời mưa thì việc vận động kéo dài đến 2 tuần do đường vào các bản rất khó đi. Vất vả một chút, nhưng chỉ cần thấy các con đi học đông đủ là mọi mệt mỏi lại tan biến”, cô Huých nói rồi cười hiền lành.

Con đò ngang sông Mã nối đời sống người dân 3 bản với bên ngoài.

Nói về những khó khăn mà cô trò tại điểm trường bản Phé đang phải đối mặt, bà Lê Thị Dung - Hiệu trưởng Trường Mầm non Phú Xuân, cho biết: Toàn trường có 114 học sinh, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Trường chia hai điểm, khu chính ở bản Pan và khu lẻ bên kia sông nằm ở bản Phé. Điểm chính cơ bản ổn định về cơ sở vật chất, tuy nhiên điểm lẻ thì còn khó khăn rất nhiều, mới có 2 phòng học của đoàn thiện nguyện họ đầu tư xây dựng, hiện vẫn đang thiếu 2 phòng học kiên cố, 1 nhà bếp. “Để đảm bảo cho học sinh có nơi học, các cô giáo và bà con đã làm lớp tranh tre để học tạm. Vào trước ngày khai giảng hàng năm sẽ huy động bà con nhân dân sửa chữa, gia cố, mua bạt để căng trên trần chống mối mọt rụng xuống và chống mưa dột. Điều mà chúng tôi cũng như bà con 3 bản Phé, Bá, Mí mong muốn nhất hiện nay là có một cây cầu để các con - những “mầm chữ” được lên xanh”, bà Dung bày tỏ.

Chúng tôi đem những mong muốn mà giáo viên, học sinh tại Trường Mầm non Phú Xuân đến UBND huyện Quan Hóa và được ông Lê Đức Hiếu – Trưởng phòng Giáo dục huyện cho biết: “Những khó khăn của cô trò tại Phú Xuân lãnh đạo huyện cũng đã biết, nhưng với điều kiện của một huyện miền núi như Quan Hóa thì cũng đành phải chờ đợi quan tâm từ Nhà nước. Mới đây UBND huyện Quan Hóa đã làm tờ trình gửi UBND tỉnh về việc thanh lý, tháo dỡ cầu treo thuộc xã Phú Xuân để thực hiện việc xây dựng cầu cứng bắc qua sông Mã. Tuy nhiên, ngày có được cây cầu như mong đợi có lẽ còn xa...”. Ông Hiếu không giấu được niềm khắc khoải sau câu nói của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để những ‘mầm chữ’ lên xanh