Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Để niềm vui trọn vẹn khi Xuân về

Bắc Phong 03/02/2024 10:31

Tết Nguyên đán đã đến và mùa lễ hội Xuân cũng sắp bắt đầu. Ngày 30/1, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 11 về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024.

Công điện của Thủ tướng Chính phủ đặc biệt lưu ý tăng cường công tác quản lý nhà nước, không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, biến tướng, lệch chuẩn xã hội, lợi dụng các hoạt động tâm linh nhằm trục lợi. Không đốt đồ mã, vàng mã tràn lan gây tốn kém, lãng phí hoặc không đúng nơi quy định tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo.

Công điện của Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc. Tổ chức lễ hội phải đúng quy định của pháp luật, không tổ chức lễ hội tràn lan gây tốn kém, lãng phí thời gian, tiền bạc của nhân dân, xã hội và Nhà nước.

So với các nước trong khu vực, Việt Nam được coi là quốc gia có nhiều lễ hội truyền thống nhất. Theo thống kê của cơ quan chức năng, cả nước có 7.966 lễ hội; trong đó có 7.039 lễ hội dân gian (chiếm 88,36%), 332 lễ hội lịch sử (chiếm 4,16%), 544 lễ hội tôn giáo (chiếm 6,28%), 41 lễ hội du nhập từ nước ngoài (chiếm 0,12%), còn lại là lễ hội khác (chiếm 0,5%).

Các lễ hội truyền thống diễn ra quanh năm, mang nhiều nét văn hóa đặc trưng của địa phương và quốc gia; luôn thu hút đông đảo sự tham gia của người dân, nhất là những lễ hội diễn ra trong mùa Xuân.

Tuy nhiên, nhiều năm qua, không ít lễ hội bị khai thác tràn lan với nhiều tính thương mại. Chính vì thế, nhiều lễ hội đã xa rời nguyên bản thay vào đó là những giá trị khác lạ, khi mà cả phần “lễ” lẫn phần “hội” cũng đã biến tướng.

Cá biệt, có những lễ hội còn khiến người ta bàng hoàng trước tình trạng chen lấn xô đẩy, dẫn đến “vỡ trận”, sau đó cơ quan chức năng buộc chính quyền địa phương phải dừng tổ chức. Nhiều lễ hội hỗn loạn khi cả biển người tràn vào sân đền dâng lễ, cướp lộc, thi nhau ném tiền lẻ, nhét tiền vào cửa hậu cung…

Những hình vi như vậy chính là sự bất kính nơi tôn nghiêm, làm sai lệch giá trị truyền thống của lễ hội. Cách hành xử thiếu văn hóa đó còn dẫn dụ tâm lý đám đông, khiến cho nạn mê tín dị đoan ngóc đầu trở lại, lợi dụng tín ngưỡng, tâm linh để trục lợi. Cũng chính vì thế mà việc hành lễ đậm màu vật chất khi không ít người cho rằng lễ vật càng lớn thì bổng lộc càng nhiều, dẫn đến việc đua nhau đốt vàng mã, sắm mâm cao cỗ đầy không khác gì việc mua chuộc, hối lộ thần linh.

Tại nhiều lễ hội, nạn "buôn thần bán thánh" xuất hiện với dịch vụ cúng thuê, khấn thuê, xem coi bói, xem tử vi, tướng số, dâng sao giải hạn... Riêng với việc đốt vàng mã và dâng sao giải hạn, nhiều chức sắc tôn giáo đã khẳng định điều đó không tồn tại trong giáo lý nhà Phật. Tuy nhiên, vấn nạn ấy vẫn không chấm dứt.

Đặc biệt đáng lo ngại, với sự phát triển của công nghệ, trên mạng xã hội lại xuất hiện những hành vi cổ súy cho những biểu hiện lệch chuẩn ấy.

Quan niệm “đuổi rủi lấy may” là mong muốn chính đáng của bất cứ ai. Nhưng mong muốn này bị đẩy lên thái quá thì rất khó chấp nhận. Người ta chỉ có thể có cuộc sống yên lành, tốt đẹp bằng nâng cao nhận thức và hành động đúng; sống với một trái tim bao dung, nhân ái. Nếu không, thì lễ lạt, “mâm cao cỗ đầy” đến đâu cũng là vô nghĩa.

Tết đã đến gần cùng mùa Xuân, mùa lễ hội quan trọng nhất trong năm cũng đã đến. Để trọn vẹn những ngày vui, cần xác định cách ứng xử đúng đắn khi tham gia lễ hội, khi đến các cơ sở thờ tự. Bên cạnh đó, điều rất quan trọng là các địa phương cần thực lòng chấn chỉnh những hoạt động mê tín dị đoan, nạn “buôn thần bán thánh”; khai thác tốt yếu tố văn hóa của lễ hội chứ không phải là lạm dụng yếu tố thương mại một cách quá đáng.

Chính vì thế, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 11 về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024 là rất cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để niềm vui trọn vẹn khi Xuân về

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO